Tất cả những hiện tượng như trẻ không chịu ăn, kén ăn một cách quá đáng, háu ăn (ăn quá nhiều), hay ăn bậy – ăn uống không giống ai (ăn cả những thứ mà người ta coi là không ăn được) đều có thể gọi là rối nhiễu về hành vi ăn uống khi chúng thường xuyên xuất hiện ở trẻ.
Chứng ăn không ngon và biếng ăn
Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, có những trẻ có sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng lại rất khó chịu khi uống hết bình sữa và có thể nôn ra nếu người lớn ép. Người lớn chỉ cần điều chỉnh lại khẩu phần ăn và không ép trẻ ăn thêm nữa thì tình trạng này sẽ chấm dứt.
Nhưng với trẻ trên 6 tháng tuổi thì nguyên nhân biếng ăn của trẻ khác nhiều so với giai đoạn trước. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chứng biếng ăn của trẻ tuổi này có thể là do trẻ cảm thấy lo âu, căng thẳng hoặc cũng có thể là do mối quan hệ giữa bố mẹ và con có vấn đề. Chẳng hạn bố mẹ xích mích, người mẹ rất buồn và trẻ có thể cảm nhận được điều đó; bố mẹ không quan tâm trẻ vì trẻ là đứa con không mong muốn… Cũng có thể là do thức ăn mới không phù hợp và trẻ không thích ăn cho nên dần dần trẻ biếng ăn.
Ngoài ra việc cha mẹ quan tâm lo lắng quá mức về chế độ ăn uống đối với trẻ; sử dụng thức ăn như một cách thể hiện tình thương, nhồi nhét thức ăn, cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ biếng ăn để kéo dài sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ.
Để giải quyết tình trạng này tốt nhất là cha mẹ nên thay đổi quan điểm chăm sóc con cái: không nên ép buộc trẻ ăn uống quá mức, và cũng không nên thay đổi thức ăn mới một cách đột ngột. Cho trẻ ăn uống đúng giờ, không nên cho trẻ ăn vặt khiến đến bữa chính trẻ không ăn được. Đặc biệt, cha mẹ nên quan tâm đến vấn đề cảm xúc của trẻ.
Chứng háu ăn, phàm ăn
Trẻ mắc chứng này luôn bận tâm đến việc ăn uống, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc ăn.
Ăn uống quá mức là vấn đề nghiêm trọng hơn cả vấn đề không chịu ăn hay biếng ăn ở chỗ nó có thể dẫn đến bệnh béo phì. Điều này không những không tốt cho sức khỏe của trẻ mà còn liên quan đến vấn đề tình thần của trẻ nữa. Khi bị bạn bè chế giễu, trêu chọc trẻ sẽ cảm thấy mặc cảm và tự ti về hình thể của mình.
Nguyên nhân dẫn đến chứng này ở trẻ có thể là do:
– Cha mẹ của trẻ tạo cho trẻ chế độ ăn uống không khoa học, không hợp lý.
– Hoặc do xung đột trong gia đình, trẻ cảm thấy mình thiếu tình thương, hay khó khăn trong học tập. Vì thế, trẻ dùng một lượng thức ăn để bù trừ cho sự hụt hẫng về tâm lý.
– Đôi khi có những người cha, mẹ quan tâm đến con quá mức, hoặc tự có cảm giác có lỗi với con nên tìm cách nhồi nhét cho con ăn đề bù đắp lại việc mình không dành đủ tình yêu thương cho con.
Để phòng tránh chứng ăn quá mức ở trẻ thì cha mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ: ăn đúng giờ, đủ chất, không ăn vặt, giảm tinh bột, ăn nhiều hoa quả và dành nhiều thời gian cho trẻ vận động… Cần quan tâm đúng mức đến trẻ, đồng thời nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có thể có những lời khuyên về chế độ ăn uống khoa học cho trẻ; cùng bác sĩ có thể tìm ra được những nguyên nhân tâm lý tiềm ẩn bên trong trẻ, giúp trẻ giải toả, khắc phục chứng phàm ăn.
Chứng ăn bậy
Trước 1 tuổi, trẻ có khuynh hướng đưa tất cả những vật lên miệng khi những vật này gần tầm tay trẻ và trẻ có thể với được. Khuynh hướng này chỉ mang tính chất sinh lý và nó sẽ mất đi khi trẻ được 1 tuổi. Nó không phải là bệnh lý.
Nhưng từ 1 tuổi trở đi, trẻ sẽ mắc chứng ăn bậy nếu trẻ không những cho vào mồm những vật (được coi là không ăn được) ở trong tầm tay trẻ mà còn nuốt chúng một cách ngon lành, Chẳng hạn như: đất, sỏi, phấn, sơn, quần áo, đầu lọc thuốc lá, thậm chí cả phân nữa…
Nguồn gốc của chứng này vẫn chưa rõ ràng. Một số là do rối loạn tâm lý, hoặc do trẻ quá phàm ăn. Vì vậy, với trẻ có chứng ăn bậy, phải đưa trẻ đi khám bác sĩ về mặt y học. Đồng thời cũng phải có nghiên cứu tỉ mỉ về đời sống tình cảm của từng đứa trẻ để có liệu pháp chữa trị cần thiết. Đây là công việc của bác sĩ tâm lý. Thông thường chứng ăn bậy này sẽ mất lúc trẻ từ 4 – 5 tuổi. Nếu bệnh vẫn kéo dài sau khi trẻ được 4 – 5 tuổi thì bác sĩ tâm lý cần phải nghiên cứu cấu trúc bệnh lý về nhân cách của trẻ.