Mỗi kỳ thi đại học là một cuộc leo núi đầy khó khăn của mỗi sĩ tử, nó đòi hỏi sức khỏe, sự tập trung và khả năng tư duy mạch lạc. Đến gần và trong những ngày thi, phụ huynh cần chú ý tránh để con em mình dùng một số loại thuốc ở dưới đây vì chúng có thể làm chất lượng bài thi bị giảm sút.
Các thuốc “bổ não” thuộc nhóm giãn mạch
Người ta vẫn coi những thuốc giãn mạch máu não, tăng cường tuần hoàn não là các thuốc bổ não. Đây là thuốc được quan tâm hàng đầu trong điều trị các bệnh của não bộ như bệnh thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não, bệnh đột qụy não… Nhưng nó lại không ưu việt với các sĩ tử mùa thi.
Bản chất là thuốc làm giãn mạch máu não, do đó làm tăng lượng máu tuần hoàn tới não bộ. Nó sẽ làm tăng khả năng hồi phục và lành lặn hóa vết thương trong não bộ, vốn đang trong tình trạng thiếu máu. Nhưng nó cũng gây ra phản ứng ngủ gà ngủ gật ở thí sinh. Khi dùng thuốc này, cả người bệnh hay người lành đều có phản ứng thần kinh đặc thù là “muốn ngủ”. Có thể là do chúng kích thích vào các trung khu ngủ. Nhưng gần như 100% các đối tượng đều có cảm giác buồn ngủ và muốn… lên giường nằm. Với người bệnh thì tốt nhưng với thí sinh thì lại không tốt. Bởi nó làm giảm quá trình tư duy, giảm khả năng tái hiện trí nhớ và hạ thấp sự huy động năng lực trí tuệ. Chất lượng bài thi sẽ cực kỳ bị ảnh hưởng.
Do vậy, khuyên các bạn không nên sử dụng các thuốc bổ não loại làm giãn mạch máu não trước kỳ thi. Ví dụ như cinninazin (biệt dược là stugeron), vinpocetin (biệt dược là cavinton). Nếu sử dụng chỉ nên sử dụng các thuốc làm tăng chuyển hóa và hấp thụ ôxy ở tế bào thần kinh mà thôi (ví dụ piracetam).
Thuốc an thần tổng hợp
Về mặt điều trị, thuốc an thần tổng hợp như diazepam (biệt dược seduxen), phenobarbital (biệt dược gardenal) có tác dụng gây ngủ. Điều này giúp tăng khả năng hồi phục của tế bào thần kinh. Ngủ là trạng thái mà tế bào thần kinh được phục hồi nhiều nhất.
Tuy nhiên, nếu dùng ở các đối tượng là thí sinh thì nguy cơ bị hỏng bài thi là rất cao. Lý do là vì thuốc làm hoạt hóa các chất ức chế thần kinh nội sinh như GABA, chúng làm tăng vận chuyển ion clo từ nội bào ra ngoại bào. Sự di chuyển này của ion clo làm cho màng tế bào trở nên tăng phân cực và rơi vào trạng thái ức chế mạnh. Toàn bộ quá trình kết nối thần kinh để thực hiện tư duy, tái hiện trí nhớ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào liều sử dụng tối hôm trước mà hôm sau người sử dụng có biểu hiện buồn ngủ, nặng hơn thì không thể dậy được và vừa đi vừa lơ mơ. Rõ ràng là điều này không thể giúp thí sinh làm bài bình thường được, không nói tới sự tư duy tìm ra phương pháp làm bài thi một cách tối ưu.
Lời khuyên là không nên sử dụng nhóm an thần tổng hợp để cho dễ ngủ. Nếu thực sự cần thiết, chỉ nên sử dụng thuốc an thần loại cực kỳ nhẹ, được tổng hợp từ thảo dược mà thôi. Ví dụ như thuốc an thần Đông y, tâm sen, bình vôi… Và cũng nhớ là chỉ sử dụng với liều nhỏ nhất.
Các chất kích thích thần kinh
Nhiều thí sinh vì muốn đạt được điểm cao nên tập trung cao độ ôn thi vào thời điểm sát nút. Và để chống lại cơn buồn ngủ họ đã sử dụng các chất kích thích mạnh để làm não bộ thức tỉnh. Ví dụ như caphein, chè, cà phê, ca cao. Điều này thực sự không có lợi.
Chúng ta cần phải hiểu một quy luật: tế bào thần kinh không phải là một cỗ máy sinh học vô hạn. Chúng cần làm việc nhưng cũng cần có thời gian nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để tái tạo lại các chất trung gian hóa học, xóa bỏ những thông tin không cần thiết và phục hồi chức năng. Ngủ đủ là phương thức hợp lý nhất để tế bào thần kinh thực hiện điều này.
Khi dùng các chất kích thích thần kinh nồng độ cao chúng sẽ gây ra sự hưng phấn cưỡng bức quá mức với tế bào thần kinh. Tế bào thần kinh vì thế bị kiệt quệ, mất có cơ hội phục hồi. Thuốc làm cho tế bào thần kinh ngày càng rơi vào trạng thái suy sụp. Chúng ta có cảm giác là học được nhiều hơn nhưng thực ra sự học này không được chuyển vào thành trí nhớ dài hạn mà chỉ nhớ nhanh và quên rất nhanh.
Lời khuyên là không sử dụng chất kích thích thần kinh liều cao. Sự học là một quá trình và câu chuyện chất lượng bài thi cao hay thấp không thể thực hiện trong một tuần là xong.
Thuốc chống dị ứng
Thuốc chống dị ứng có rất nhiều loại. Có thể kể ra đây một số loại như clopheniramin, brompheniramine. Các thuốc này hay được sử dụng để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng côn trùng… Chúng đạt được hiệu lực chống dị ứng rõ ràng nhờ vào khả năng ức chế các thụ cảm thể H1 của histamin. Theo cơ chế này, các histamin bị mất tác dụng và không thể gây ra chuỗi phản ứng dị ứng.
Nhưng đáng tiếc là thuốc ngoài điều trị dị ứng chúng lại có khả năng xâm nhập vào thần kinh trung ương. Trên thần kinh trung ương chúng thể hiện hoạt tính kháng cholin (acetylcholin), một hoạt chất trung gian thần kinh chủ yếu. Các kết nối thần kinh trung ương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hậu quả là người bệnh không còn thực hiện được các quá trình tư duy và trí tuệ, ngủ gà, ngủ gật, suy giảm khả năng tái hiện trí nhớ dài và làm xuất hiện hiện tượng quên. Nhất là thuốc brompheniramine.
Do đó mà lời khuyên là không nên sử dụng các thuốc chống dị ứng thế hệ 1. Nếu có bị dị ứng thì nên dùng các thuốc chống dị ứng thế hệ 2 và các corticoid liều thấp. Ví dụ như hãy lựa chọn loratidin để điều trị.
Một số thuốc khác cũng cần thận trọng và xem xét giảm liều vào những ngày thi cao điểm là thuốc chống Parkinson, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc chống loạn nhịp tim. Vì chúng có ảnh hưởng nhất định tới khả năng tái hiện trí nhớ và năng lực tư duy, ảnh hưởng không tốt tới kỳ thi đại học sắp tới.