Phim ảnh bạo lực phần lớn dạy người ta cách bắn, giết, cướp, đốt nhà, triệt hạ đối thủ. Người xem được trải nghiệm cảm giác làm hại người khác, phá hủy đồ vật… và cả cảm giác về sự chiến thắng, mãn nguyện. Những biểu hiện dạng này sẽ khiến trẻ lệch lạc về suy nghĩ, nhân cách. Với nhiều đứa trẻ, cảm giác về sự đau đớn giảm đi sau khi chúng xem phim có cảnh bạo lực, chém giết.
“Mẹ đã nói với con bao nhiều lần là không được đánh nhau với bạn, sao con lại không nghe lời?”, chị Thanh Hoa, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội không kiềm chế được tức giận, lôi xềnh xệch cậu con trai 7 tuổi về nhà sau khi nhận được thông báo của cô giáo…
Thích là… đánh
Vừa về đến nhà, chị Hoa đã tra hỏi cu Tít: “Tại sao con lại đánh bạn. Con có biết hành động đánh bạn là rất xấu không? Sao con lại làm mẹ xấu hổ khi ngày nào cũng bị cô giáo gọi đến lớp phê bình vì tội… đánh bạn thế hả”. Cu Tít lắp bắp: “Các bạn ấy có chết đâu, chỉ bị thương thôi. Ở trong phim các chú ấy còn đánh nhau “kinh” hơn thế cơ ạ….”. Nghe đến đây chị Hoa mới tá hoả, thì ra tối tối cu Tít vẫn cùng bố bật kênh nước ngoài xem phim, thậm chí thi thoảng hai bố con còn ra cửa hàng cho thuê băng đĩa đầu ngõ thuê những đĩa phim toàn cảnh đánh đấm, chém giết, bạo lực, máu me về xem.
Đã nhiều lần chị Hoa góp ý với chồng, nhưng chồng chị đều gạt phăng đi và còn cho rằng: “Nó mới tí tuổi đầu xem thế thôi chứ biết gì mà ảnh hưởng. Con trai phải xem những phim đánh đấm mới ra dáng đàn ông chứ mấy cái phim ba lăng nhăng, sướt mướt mà em hay xem thì giáo dục cái gì”. Sau nhiều lần nói chồng không được, chị Hoa buộc phải đầu hàng.
Hơn một tuần nay, anh Nguyễn Hoàng Hải, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cảm thấy bất lực trước cậu con trai 6 tuổi. Lý do là bởi, cách đây 2 tháng, nhân dịp sinh nhật con trai, anh Hải đã mua tặng cậu bé một chiếc Ipad. Và kể từ đó, cậu bé muốn chơi game hay làm gì tuỳ thích.
Anh Hải cho biết: “Mới đầu tôi nghĩ cháu chỉ chơi trò chơi điện tử thì đâu có hại gì. Nhưng gần đây, anh họ của cháu đến chơi đã dạy cháu cách vào mạng để chơi những trò chơi bắn giết, đánh đấm mà tôi không hề hay biết. Hôm trước, đang chơi với mấy cậu bé trẻ con hàng xóm, cháu đã nhảy vào đánh một cậu bé đến mức gẫy sống mũi. Hỏi ra thì tôi được biết, cháu đang tham gia một nhân vật trong trò chơi, cứ nhìn thấy ai cháu cũng nghĩ là kẻ thù, cần phải tiêu diệt. Chắc tôi phải đưa cháu đến gặp bác sĩ tâm lý”.
Trơ lỳ với bạo lực
Mới đây, một bé trai 8 tuổi sống tại thành phố Garden, tỉnh Hertfordshire, nước Anh đã chết do treo cổ. Các nhà điều tra xác định nguyên nhân cậu bé chết là do làm theo một cảnh trong bộ phim bạo lực The Last Samurai (Võ sĩ đạo cuối cùng). Theo Trung tâm Nghiên cứu gia đình và trẻ em thuộc trường Đại học Macquarie – Australia, trẻ xem phim bạo lực sẽ khiến chúng hành động hung hăng hơn. Kết quả nghiên cứu của trung tâm này cho thấy, có sự liên hệ rõ ràng giữa thời gian trải qua việc xem phim bạo lực và cách cư xử hung hăng của trẻ. Việc trẻ xem phim bạo lực kéo dài còn làm chúng trơ lỳ với bạo lực, bóp méo nhận thức của chúng về thế giới thực tế và tạo ra những suy nghĩ gây hấn, căm ghét. Ở nhiều đứa trẻ, cảm giác về sự đau đớn giảm đi sau khi chúng xem phim có cảnh bạo lực, chém giết.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng Phòng khám Tuna đưa ra nhận xét, một số em khi tiếp xúc nhiều hình ảnh bạo lực sẽ có cảm giác thế giới không hề an toàn. Bất cứ khi nào ra đường trẻ cũng phải cảnh giác kể cả những điều nhỏ nhặt và coi chúng là mối họa, cần phản ứng trước để phòng trừ. Cũng có thể vì thế mà nhiều vụ án mạng xảy ra đôi khi chỉ vì cảm giác bị “nhìn đểu”. Phim ảnh bạo lực phần lớn dạy người ta cách bắn, giết, cướp, đốt nhà, triệt hạ đối thủ. Người xem được trải nghiệm cảm giác làm hại người khác, phá hủy đồ vật… và cả cảm giác về sự chiến thắng, mãn nguyện. Những biểu hiện dạng này sẽ khiến trẻ lệch lạc về suy nghĩ, nhân cách.
“Môi trường gia đình cũng có tác động như học đường. Hãy biểu lộ những tình cảm của cha mẹ và chỉ cho trẻ thấy rằng cha mẹ có thể giải quyết những xung đột một cách bình tĩnh, ôn hòa chứ không cần sử dụng bạo lực. Các thành viên trong gia đình nên cùng nhau xem những bộ phim có tính giáo dục, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ nên chia sẻ việc sử dụng ti vi và máy tính với con cái, và những thiết bị này nên được đặt ở không gian chung trong nhà. Thực tế cho thấy những trẻ học được cách thể hiện, nói lên những cảm nghĩ trong gia đình ít có khuynh hướng và hành vi hung bạo”, Tiến sĩ Bưởi nhận định.