Bây giờ tôi đã hiểu vì sao con cái nhà giàu lại hư hỏng nhiều. Đơn giản vì bố mẹ chăm lo cho bản thân, không sẵn sàng hy sinh để sát cánh bên con. Và thực tế cho thấy con nhà giàu dễ hư hơn con nhà nghèo.
Con nhà giàu – tầm ngắm của cạm bẫy
Lấy nhau từ thuở hàn vi, cùng nhau cố gắng xây dựng sự nghiệp nên vợ chồng anh Thăng, chị Quý rất thấm thía những khó khăn, vất vả của cuộc đời. Dù chồng đã được đóng mác “đại gia” nhưng anh chị vẫn giữ được lối sống giản dị, quý trọng đồng tiền mồ hôi công sức.
Anh Thăng, chị Quý sống rất chừng mực cho bản thân nhưng lại chăm chút cho con gái từng ly từng tí một. Bé Diệu Ly mới học lớp 6 nhưng bé được bố mẹ sắm đủ các đồ vật xa xỉ như Iphone, New Ipad… Anh chị chỉ nghĩ đơn giản “đời mình khổ, mình làm việc quần quật cũng chỉ vì con cái nên con cái phải được đầy đủ, sung sướng”. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu cắp sách tới trường, bé Diệu Ly đã trở thành niềm mơ ước của bạn bè cùng lớp vì sự giàu có, “đi trước thời đại”.
Sống trong nhung lụa nhưng bé Diệu Ly rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập nên chị Quý càng tin tưởng và yêu chiều con hết mực. Nhưng tới lớp 6, tình hình thay đổi nhanh chóng, bé Ly chỉ giữ được phong độ trong mấy tháng đầu. Sức học của bé yếu dần, yếu dần. Dù bé chưa rơi xuống khu vực cuối lớp nhưng rõ ràng với kỳ vọng của anh chị và với thực lực của bé, đây là điều đáng báo động.
Chị Quý phải nhờ cô giáo chủ nhiệm theo dõi để tìm ra nguyên nhân. Nhưng hơn 1 tháng trôi qua, cô giáo cho biết, ở lớp, Ly chỉ có biểu hiện chểnh mảng học hành, còn nguyên nhân cụ thể, cô giáo dù cố vẫn bất lực.
Rất may, chị Quý có người quen ở Trung tâm tiếng Anh, nơi bé Ly học thêm. Từ người quen này, chị Quý té ngưởng khi phát hiện Ly và một số con nhà giàu khác thành lập “Hội đại gia” để ăn tiêu, chơi bời.
Không chủ động sa ngã như bé Ly, Tuấn Anh bị rơi vào cạm bẫy có tổ chức của một nhóm người xấu. Chị Nguyệt phải nhờ tới thám tử mới tìm ra được nguyên nhân giải thích tại sao tự dưng Tuấn Anh lười biếng, ham chơi và ăn nói bất cần đời. Thì ra, cách nhà chị không xa, có một nhóm thanh niên hư hỏng. Chúng lên kế hoạch dụ dỗ Tuấn Anh vào nhóm để ăn chơi, hút xách nhằm “kiếm tiền” từ Tuấn Anh.
Cha mẹ vào cuộc quyết liệt, con mới nên người
Nghe hung tin, chị Nguyệt rã rời tay chân. Chị đã nghe chuyện con nhà giàu bị bắt cóc, tống tiền hay hư hỏng chứ chị chẳng tưởng tượng ra có người lên kế hoạch đưa con mình vào cạm bẫy tệ nạn. Chị Nguyệt vội vã đưa con đi thử máu xem liệu Tuấn Anh đã nghiện hay chưa. Rất may, Tuấn Anh đã từng bị ép dùng ma túy nhưng cậu chưa nghiện.
Cực chẳng đã, chị Nguyệt “kiểm soát vòng vây”. Chị tự mình đưa đón con đi học và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của con. Bên cạnh đó, chị vẫn nhờ đội ngũ thám tử theo dõi 24/24. Hơn nửa năm trôi qua, cuộc sống của Tuấn Anh đã ổn định hơn. Khi không thấy bóng dáng “đồng đội cũ” của con, chị Nguyệt mới cho đội thám tử nghỉ ngơi.
Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn lơ là, Tuấn Anh lại có dấu hiệu dở chứng. Nghi điều chẳng lành đang xảy ra, chị Nguyệt lại dồn sức tìm hiểu. Thì ra bọn người xấu luôn bám sát gia đình chị. Khi thấy “trời yên biển lặng”, chúng lại ngấm ngầm hoạt động, lôi kéo và dụ dỗ Tuấn Anh.
Nhận thấy không thể cách ly được con với bọn người xấu, chị Nguyệt và chồng nhất trí đưa con vào Sài Gòn sống. Thế là chị Nguyệt phải bỏ công việc đáng mơ ước của mình để làm một bà nội trợ đơn thuần. Nhiệm vụ lớn lao của chị là chăm sóc con, luôn bên con, giúp con tránh khỏi các cạm bẫy.
3 năm trôi qua, khi Tuấn Anh đỗ á khoa Đại học, hai mẹ con lại trở về Hà Nội, chị Nguyệt chia sẻ: “Tôi tạm nghỉ việc 3 năm để giúp con tránh cạm bẫy và quan trọng hơn là rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho con. Bây giờ Tuấn Anh rất bản lĩnh, không còn là cậu bé dễ nghiêng ngả theo cạm bẫy nữa. Cháu thi đại học là để khẳng định mình thôi, chứ hiện tại cháu đã có thư mời du học rồi. 3 năm vất vả trôi qua, tôi thấy mình đã làm được việc lớn lao nhất trên đời. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao con cái nhà giàu lại hư hỏng nhiều. Đơn giản vì bố mẹ chăm lo cho bản thân, không sẵn sàng hy sinh để sát cánh bên con. Và thực tế cho thấy con nhà giàu dễ hư hơn con nhà nghèo”.
Nhận xét của chị Nguyệt không phải không có lý. Khi thấy bé Ly tiêu tiền như nước, chị Quý chỉ nhắc nhở vì nghĩ tội lỗi đó chẳng lớn lắm. Có tiền thì phải tiêu tiền thôi. Chị cũng muốn “chỉnh” con nhiều hơn nhưng do bị cuốn theo công việc nên chị tặc lưỡi “không sao mà”. Kết quả là sức học của bé Ly yếu dần. Bé Ly xuống dốc tới mức khi chị Quý giật mình nhận ra thì đã quá muộn.