Còn vài tháng nữa là Phúc đã vào học lớp một. Với bao đứa trẻ khác, viễn cảnh về ngày đầu đến trường vô cùng đẹp cho nên các bé thường mang một tâm trạng hồi hộp đợi chờ. Thế mà Phúc thì lại khác hẳn. Nói đến học là cậu nhóc lại ngồi khóc lóc, rên rỉ hơn cả bị đánh đòn đau. Có lần, ba Phúc bảo ra ngồi nhẩm bảng cửu chương, chỉ có thế mà cậu nhóc hét toáng lên: “Con sợ đi học lắm. Đừng bắt con phải học”.
“Không ngủ thì xuống đây lấy bài ra học!”- Tiếng mẹ quát bé Phúc khuấy động không gian yên tĩnh của buổi trưa.
Không đáp lại lời mẹ, bé Phúc nằm khóc rấm rứt. Đối với bé, học như một cực hình, và mỗi khi không vâng lời hoặc làm gì sai là người lớn lại bắt Phúc đem vở ra ngồi học.
Còn vài tháng nữa là Phúc đã vào học lớp một. Với bao đứa trẻ khác, viễn cảnh về ngày đầu đến trường vô cùng đẹp cho nên các bé thường mang một tâm trạng hồi hộp đợi chờ. Thế mà Phúc thì lại khác hẳn. Nói đến học là cậu nhóc lại ngồi khóc lóc, rên rỉ hơn cả bị đánh đòn đau. Có lần, ba Phúc bảo ra ngồi nhẩm bảng cửu chương, chỉ có thế mà cậu nhóc hét toáng lên: “Con sợ đi học lắm. Đừng bắt con phải học”.
Vậy, nguyên nhân vì sao mà một đứa trẻ còn bé tí đã vội chán nản việc học hành. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tương lai cậu bé sẽ ra sao. Ở cương vị một người cô ruột, tôi bắt đầu quan sát bé. Hoạt động thường ngày mà tôi được chứng kiến nơi bé đó là thường xuyên xem phim họat hình. Dạo gần đây Phúc còn tập tành chơi game cùng chú út nữa. Những khi ấy, trong mắt cu cậu sáng lên một niềm thích thú vô hạn. Vì không bị quản thúc hoạt động giải trí, Phúc cảm thấy được tự ý xem những chương trình mình yêu thích mới thực sự là niềm vui. Đang tự do làm điều mình thích bỗng nhiên lại bị ép vào khuôn khổ của việc học tập, Phúc cảm thấy chán nản cũng là điều tất yếu.
Thế nhưng đó mới chỉ là nguyên nhân phụ, sai lầm chủ yếu ở đây chính là do người lớn thường đem việc học ra đe dọa bé cứ như một cực hình. Không chịu ngủ, bắt ngồi học. Chơi không ngoan cũng bắt học, thậm chí không chịu ăn uống cũng đe dọa bé học. Dần dần, trong tâm thức Phúc cho rằng việc học là một hình phạt khi mình mắc phải sai lầm và lẽ tất nhiên hình phạt thì bé phải ghét và trốn tránh. Do đó, phản ứng lười học của bé chỉ mang tính phòng vệ. Và trong sai lầm nghiêm trọng này, trách nhiệm thuộc về người lớn.
Ý kiến chuyên gia: Cha mẹ Phúc nên dành nhiều thời gian trao đổi cùng con, tiết lộ cho cu cậu những điều thú vị khi được đi học, ví dụ như: được vui chơi cùng bạn bè, được cô dạy những bài học hay, được biết chữ để ghi tên của chính mình hay được tự mình đọc sách. Như thế, Phúc sẽ cảm thấy việc học cũng là một sân chơi lý thú và sẽ hào hứng tham gia mà không coi đó là áp lực. Bên cạnh đó, cha mẹ Phúc nên lập một thời gian biểu thật khoa học để quản lý giờ giấc sinh họat của con, tránh để trẻ vui chơi, giải trí ngoài tầm kiểm soát mà nảy sinh tâm lý lười học.
Ai cũng biết học hành là điều cần thiết trong xã hội hiện nay nhưng không phải trẻ em nào cũng yêu thích điều đó. Nếu lỡ như con không mấy mặn mà gì về chuyện học, cha mẹ nên tìm cách đánh thức sự đam mê tri thức hoặc chí ít cũng khơi dậy niềm hứng thú học tập nơi con. Có như vậy tương lai của con mới không rơi vào khoảng tối vì nghèo con chữ, thấp học vấn.