Có nhiều căn bệnh mà các bệnh viện huyện có thể điều trị hiệu quả nhưng người dân vẫn không an tâm điều trị mà luôn muốn đến các bệnh viện tuyến trên, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn.
Một trong 4 giải pháp quan trọng mà Bộ trưởng Y tế đưa ra để giảm quá tải bệnh viện là quy định chặt chẽ việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều 13/7 bàn về xây dựng thông tư hướng dẫn về chuyển tuyến trong khám chữa bệnh, nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc “buộc” người bệnh điều trị ở bệnh viện tuyến dưới sẽ hết sức khó khăn.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Xuyên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện, trong đó có vấn đề vượt tuyến. Hiện nhiều bệnh có thể chữa được ở tuyến huyện nhưng người dân không yên tâm, cứ thích lên thẳng bệnh viện trung ương tạo nên sự quá tải ảo. Có trường hợp bệnh nhân muốn đi nhưng bệnh viện nhất quyết không cho. Tuyến huyện mổ được ruột thừa nhưng người bệnh không ở lại.
“Bệnh viện tuyến dưới có thể xác định bệnh, mổ được nhưng bệnh nhân cũng không tin mà phải lên bệnh viện tuyến trên để kiểm tra lại hoặc chọn phẫu thuật ở đây”, thứ trưởng Xuyên nhận xét.
Từ trước ngành y tế đã có một số điều quy định về việc chuyển tuyến trong Luật Khám chữa bệnh, quy chế bệnh viện, Thông tư số 10 về hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, việc chuyển tuyến không phù hợp vẫn rất nhiều. Ước tính, tỷ lệ vượt tuyến ở các bệnh viện tuyến trên rất cao, dao động 50-80%. Tình trạng bệnh viện tuyến trên thực hiện các kỹ thuật thông thường của tuyến dưới khá phổ biến.
Ông Bùi Công Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện K cho rằng, với bệnh viện đa khoa việc phân tuyến không phức tạp lắm; nhưng với bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt chuyên khoa sâu thì phân tuyến rất nặng nề.
“Việc phân tuyến phải căn cứ trên cơ sở hệ thống mạng lưới sẵn có”, ông Toàn nói.
Đại diện của Viện Chiến lược và chính sách y tế thì cho rằng tỷ lệ vượt tuyến cao do nhiều nguyên nhân như: việc tuân thủ thực hiện phân tuyến, cơ chế chi trả…. Đặc biệt là chính sách tự chủ về tài chính của các bệnh viện tác động nhiều đến việc bệnh nhân vượt tuyến, nhận thức của bệnh nhân… Ngành y tế có thể phân tuyến kỹ thuật nhưng không thể cấm người bệnh lên tuyến trên khám vì đó là quyền của họ.
Vì thế, vị đại diện này đề xuất giải pháp hạn chế tỷ lệ dịch vụ tuyến dưới mà tuyến trên được làm. Chẳng hạn như tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 60% bệnh nhân nội trú là đẻ thường, vậy có thể quy định để giảm tỷ lệ này xuống khoảng 20%.