Chẳng phải vô cớ mà có nhà thơ đã viết: “Trước tình yêu, tuổi tác nào cũng cúi đầu ngoan ngoãn”. Vâng, con bạn có thể gặp mũi tên tình ái khi mới bước sang tuổi “ô mai”, hoặc thậm chí, đang còn học… lớp chồi.
Trẻ có thể gặp mũi tên tình ái khi mới bước sang tuổi ‘ô mai’, hoặc thậm chí, đang còn học lớp chồi.
Tình đầu – cuộc “diễn tập” hữu ích
Ngay cả khi chỉ đem lại buồn đau thì tình đầu cũng gần với những ký ức khiến mỗi chúng ta rưng rưng. Nhưng lạ thay, khi đối diện với mối tình đầu thơ dại của con trẻ, chúng ta lại chẳng hề rưng rưng mà hay nghi ngại: “Yêu đương nỗi gì, mới tí tuổi đầu!”…
Với con trẻ, tình yêu là sự gắn kết đầu tiên với một “người dưng”, là nhu cầu “thoát ly” khỏi phạm vi gia đình nhỏ để đến với thế giới rộng lớn hơn. Bước ngoặt này rất cần thiết cho sự phát triển nhân cách của trẻ.
Nó giúp trẻ ý thức hơn về giới tính của mình và học được cách tương tác với người khác: cách thể hiện/ đón nhận mọi sự hỉ nộ ái ố; cách giải quyết xung đột và vượt qua thất bại. Bởi vậy, nó chính là là một cuộc “diễn tập” để con trẻ trưởng thành.
Không hiếm cặp yêu nhau từ thuở quàng khăn đỏ sau này đã nên vợ chồng. Nhưng ngay cả khi chỉ còn là ký ức thì những mối tình thơ dại vẫn không phải là vô ích. Tuy nhiên, “tình nhỏ” hữu ích đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đó là tình buồn hay tình vui, đơn phương hay đa phương và đặc biệt là phản ứng của mọi người với nó ra sao.
Vâng, phản ứng của phụ huynh rất quan trọng, thậm chí còn mang tính… tiền định. Nó có thể chắp cánh nhưng cũng có thể vùi dập cảm xúc nơi con trẻ, có thể khiến trẻ thêm tự tin hay trở nên hoang mang…
Bởi vậy, khi con cái bắt đầu yêu, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là: đừng vội lên án mà hãy quan tâm và yêu thương con hơn! Nên nhớ, có thể vì cảm thấy thiếu thốn tình cảm từ bên ngoài để tự bù đắp. Ngoài ra, trẻ thường xây “lâu đài tình ái” trên hình mẫu là mối quan hệ giữa ba và mẹ, cho nên ba mẹ rất cần nêu gương tốt cho con.
Tuy nhiên, để ứng xử phù hợp nhất với “tình nhỏ”, ta còn phải lưu ý đến độ tuổi của “kẻ đang yêu”.
Tình yêu “búp trên cành”
Đôi khi, con người ta có thể bị “sét đánh” ngay từ khi còn đi… mẫu giáo. Và “kẻ đang yêu” bé bỏng sẽ chẳng buồn che đậy tình cảm của mình đâu: cả lớp Nai Vàng đều biết Sơn đã quyết định sẽ lấy Trang và hai đứa không ngần ngại gọi nhau là “cô dâu”, “chú rể”.
Tuy nhiên, rất có thể ngày mai Sơn sẽ không muốn cưới Trang nữa mà quay sang để tỏ tình với Mai hay Hoa. Đối tượng của “búp trên cành” thường thay đổi xoành xoạch như vậy đấy và đôi khi rất trái khoáy nữa. Cu Tít (3 tuổi) đã “phải lòng” cô bảo mẫu vì thế mà rất ưa tè dầm để được cô chăm sóc. Còn bé Nhím 5 tuổi thì nhất định sẽ cưới chú Hùng đồng nghiệp của bố nên chải chuốt rất kỹ mỗi khi chú đến chơi…
Cha mẹ cần làm gì?
– Không cười nhạo tình cảm của con – bạn sẽ khiến con bị tổn thương và gieo cho con ý nghĩ tai hại tằng chuyện có tình cảm với người khác phái là cái gì đó hư đốn, và xấu xa.
– Chớ chỉ trích việc con thay “người yêu” như thay áo – con chưa có khái niệm “chung tình” và sự lựa chọn chỉ mang tính tình huống (hôm nay si mê Ý Nhi vì tóc bạn ấy rất mềm, ngày mai lại phải lòng Nhã Uyên vì bạn ấy vẽ đẹp quá…). “Tình nhỏ” giống như mưa bóng mây vậy, cho nên đừng lo lắng vô ích.
Tình ô mai
Sang tuổi học trò, trẻ sẽ “nghiêm túc” hơn khi yêu, ý trung nhân của con thường có điểm gì đó nổi bật; hoặc giỏi giang xinh xắn, hoặc ngược lại – đầy cá tính (như để bổ sung cho con). Bởi vậy, trẻ có thể si mê một cô bé lớp trưởng nhưng cũng có thể phải lòng một cậu “gấu nhí” trong trường…
Tuy nhiên, khác với “búp trên cành”, tuổi ô mai không oang oang về tình cảm của mình, mà ngược lại, cứ giấu giấu giếm giếm. Chính vì sợ “lộ sáng” nên cách tỏ tình của chúng là rất ngược đời. Ví như cậu bé sẽ kéo bím tóc hay bắn dây thun vào cô bé, còn cô bé dù rất khoái nhưng sẽ “xù lông nhím” lên hoặc tìm cách chế nhạo cậu bé.
Một nét đặc trưng nữa của tình ô mai là tính “bầy đàn”: nếu bạn X, bạn Y đã yêu thì hà cớ gì mình không yêu? Và kết quả là “lửa tình” có thể lan ra khắp lớp học.
Cha mẹ cần làm gì?
– Hãy tôn trọng sự lựa chọn của con ngay cả khi nó cực kỳ “phi lý”! Đừng phát biểu kiểu: “Thằng bé ấy đen thui như cột nhà cháy!” mà hạ thấp giá trị tình cảm của con, gây tổn thương cho con.
– Hãy dạy con thể hiện tình cảm của mình một cách văn minh, Chẳng hạn nếu quý bạn thì thay vì giật tóc hãy chào hiệp chia kẹo cho bạn hay cho bạn mượn bút chì, thước kẻ…
– Đừng bảo: “Không có yêu đương gì hết nếu vẫn bị 5 điểm toán!”. Quả là yêu đương có thể ảnh hưởng đến học tập. Tuy nhiên, cấm đoán sẽ chẳng có ích gì, tốt nhất là hãy nói với con rằng con cứ cố gắng giành điểm tốt thì bạn ấy nhất định sẽ để ý đến con.
– Tạo bầu không khí tin yêu trong gia đình để con sẵn lòng chia sẻ với cha mẹ (thường những trẻ thiếu sự hỗ trợ từ cha mẹ mới có những hành vi dại dột). Luôn luôn lắng nghe tâm sự của con để từ đó có thể cho con lời khuyên thích hợp.
– Kể cho con nghe chuyện hồi bé bố mẹ cũng thích bạn nọ bạn kia ra sao. Con sẽ an tâm hơn nếu biết bố mẹ cũng có những trải nghiệm như mình.
Tình như Romeo…
Sang tuổi dậy thì, cùng với những thay đổi trong cơ thể, các chàng Romeo và các nàng Juliet cũng có những “đột biến” về tính cách: trở nên ngang bướng, khó chịu. Và để chứng tỏ rằng mình đã là người lớn, chúng thi nhau… yêu!
Chúng bắt đầu một mối tình nhiều khi chỉ là để khẳng định “cái tôi” và đối tượng mà chúng chọn có thể là… Bi Rain hay Hyung Joon. Tuy nhiên, cũng có nhưng mối tình “ngoài đời” và song phương hẳn hoi. Khi ấy, cách êm đềm nhất là cha mẹ hãy… mừng cho con vì con đã biết đến thứ cảm xúc mà các nhà thơ vẫn tụng hơn là đẩy chúng đến bi kịch như Romeo và Juliet.
Tuy nhiên, trên thực tế thì phụ huynh thường hành động hoàn toàn khác: đầu tiên là phẫn nộ (yêu đương gì ở tuổi này!), rồi tìm cách “dìm hàng” (“Thằng bé mặt đầy mụn”, “Con bé ấy gầy như que củi!”). Tất nhiên, cha mẹ làm những điều này chỉ cốt để giúp con tránh khỏi những sai lầm có thể xảy ra.
Nhưng đôi khi, cần phải nếm trải sai lầm trẻ mới trưởng thành và bài học mà trẻ rút ra từ đó sẽ sâu sắc hơn bất cứ bài giáo huấn nào của cha mẹ! Đừng cho rằng cứ yêu sớm là hư, ngược lại, chính những rung cảm đầu đời sẽ giúp cho con biết phân biệt tình yêu đích thực với dục vọng tầm thường.
Chính việc người lớn vùi dập những mối tình thơ dại mới khiến con trẻ nhầm lẫn tình yêu với cái gì đó xấu xa, dâm ô!
Cha mẹ cần làm gì?
– Hãy “sống chung” với thực tế là con đã biết yêu. Hãy thử trò chuyện cởi mở để tìm hiểu xem điều gì đã thu hút con – có thể cô bé/ cậu bé kia thật sự đáng yêu chứ không tệ như bạn nghĩ.
– Trở thành người bạn thực sự của con để con không ngại ngần chia sẻ những bí mật, chỉ khi đó, những lời khuyên của bạn mới có cơ hội lọt vào tai con.
– Tôn trọng đối tượng của con (ngay cả khi không ưa) tránh “tấn công” đối tượng dưới bất kỳ hình thức nào, kẻo con lại nổi máu quân tử bảo vệ kẻ “bị hại” và coi cha mẹ như “kẻ bên kia chiến tuyến”.
– Cung cấp cho con kiến thức về an toàn tình dục (thấy khó nói thì mua sách, quẳng tờ rơi ở đầu giường con). Tất nhiên, thật khó chịu với ý nghĩ con mình có thể làm “chuyện ấy”, nhưng đừng chọn “chính sách đà điểu” ở đây, và “phòng bệnh” bao giờ cũng tốt hơn “trị bệnh”.
– Nếu con tuyệt vọng vì yêu đơn phương thì càng phải cảm thông với con hơn. Hãy kể cho con nghe chuyện bản thân bạn hay những người thân khác trong gia đình cũng từng yêu đơn phương ra sao, đã nỗ lực vượt qua nỗi buồn đó như thế nào để trẻ thấy rằng không ít người “cùng cảnh ngộ”, với mình và không phải vì thế mà thế giới này đến này tận thế.