Để hỗ trợ sản phụ khi sinh được thuận lợi hơn, ngày nay hầu như sản phụ sinh thường nào cũng phải trải qua thủ thuật rạch tầng sinh môn và đây trở thành nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ.
Nỗi lo đầu tiên phải kể đến là cảm giác đau đớn khi rạch, khâu và thời gian sau khi sinh thở. Hơn thế nữa, các chị em thường băn khoăn không biết thủ thuật rạch tầng sinh môn có làm “cô bé” giãn rộng và ảnh hưởng đến cuộc sống chăn gối vợ chồng sau này không?
Hãy cùng đi tìm hiểu về thủ thuật rạch tầng sinh môn khi sinh nở nhé!
Tầng sinh môn nằm ở đâu?
Tầng sinh môn là phần nông của sàn chậu, chính xác là phần mô giữa âm đạo và hậu môn. Đây là nơi bình thường và xem ra chẳng quan trọng gì với cơ thể. Thế nhưng nó lại rất quan trọng trong quá trình sinh nở của người phụ nữ.
Tại sao phải rạch tầng sinh môn?
Tâng sinh môn có chiều dài khoảng 3 – 5 cm, chỉ phát huy tác dụng vào lúc sinh nở. Nếu phụ nữ sinh thường, nó cần được giãn rộng để em bé chui ra khỏi bụng mẹ. Thế nhưng có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ sinh khó, tầng sinh môn không giãn rộng.
Đó là lý do bác sĩ phải dùng đến thủ thuật rạch tầng sinh môn để hỗ trợ và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ khi xuất hiện dấu hiệu sinh khó.
Nguyên nhân sinh khó có thể là hẹp xương chậu, thai quá lớn, lưỡng đỉnh rộng… Và việc mở rộng tầng sinh môn sẽ giúp sử dụng các thủ thuật hỗ trợ sinh như kẹp forcep hay giác hút được dễ dàng hơn. Vì lúc này đầu em bé chỉ còn ở khoảng cách 2 – 4 cm là sẽ chui hẳn ra ngoài.
Phương pháp cắt tầng sinh môn này được chỉ định trong trường hợp sản phụ có nguy cơ bị rách cơ vòng hậu môn; có dấu hiệu suy thai hoặc bé sinh ngôi mông, sinh non hoặc có đầu quá lớn. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ gây tê tại vùng sàn khung chậu của sản phụ khi sinh.
Một đường cắt nhỏ sẽ được rạch từ đáy âm đạo và thường hơi chếch sang một bên dưới âm đạo kéo xuống hậu môn. Có những trường hợp không đủ thời gian để chích thuốc tê, nhưng bạn cũng không cảm thấy đau do các mô căng đã bị tê tự nhiên. Thực chất của việc cắt tầng sinh môn là để bảo vệ cho sản phụ.
Ngày nay, đa phần các trường hợp sinh tự nhiên đều được rạch tầng sinh môn vì thai thường to, lưỡng đỉnh rộng, nếu không dùng thủ thuật này kịp thời, nguy cơ rách là rất lớn. Và khi rách tự nhiên thì khả năng khâu phải tính theo sợi chỉ chứ không phải là mũi khâu.
Có cách nào để sinh thường không bị rạch tầng sinh môn?
Để tránh thủ thuật rạch tầng sinh môn khi sinh nở, cách phổ biến nhất với các bà bầu là tập luyện thể thao đều đặn và đúng cách. Bà bầu có thể học cách thư giãn các cơ sản khung chậu: thả lỏng cơ đáy chậu, cách giúp phình lớp mô âm đạo và đáy chậu, cách hít thở khi có các cơn gò tử cung. Những bài tập này rất đơn giản và bạn có thể tự tập tại nhà. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên đăng ký theo học một lớp tiền sản một vài tháng trước khi sinh.
Ngoài ra, bạn có thể học cách massage cơ đáy chậu hàng ngày khi bước vào tuần mang thai thứ 34 bằng cách nhỏ vài giọt dầu vitamin E vào ngón tay và ngón cái rồi xoa xung quanh đáy xương chậu. Đặt ngón trỏ cách âm hộ 3 cm và ấn nhẹ xung quanh đó cho tới khi cảm thấy như kim châm. Thực hiện cả quá trình này trong khoảng 2 phút rồi massage nhẹ nhàng phần tầng sinh môn trong 3 phút.
Dù vậy, điều quan trọng nhất là phụ nữ mang thai nên lập một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng nhất để không tăng cân quá nhanh và con không quá to. Bạn cũng cần trao đổi kỹ với bác sĩ và tạo tâm lý tin tưởng, lạc quan vào khả năng sinh nở tự nhiên của mình. Như thế bạn sẽ trải qua ca sinh nở nhẹ nhàng hơn.