Một nghiên cứu mới được hoàn thành tại Boston (Vương quốc Anh) đã chứng minh rằng vitamin D có hiệu quả cao giúp chống lại sự tác động của khói thuốc tới chức năng của phổi.
Bác sĩ Nancy E. Lange thuộc Phòng thí nghiệm Channing, Bệnh viện Brigham và Phụ nữ, cho biết họ đã xem xét mối liên quan giữa thiếu hụt vitamin D, tình trạng hút thuốc, chức năng phổi và tốc độ suy giảm chức năng phổi trong hơn 20 năm của một nhóm gồm 626 người da trắng trưởng thành.
Họ thấy rằng thiếu hụt vitamin D (được định nghĩa là nồng độ vitamin D huyết thanh >20ng/ml) có tác dụng bảo vệ chức năng phổi và tốc độ giảm chức năng phổi ở người hút thuốc.
Trong nghiên cứu, nồng độ vitamin D được đánh giá tại 3 thời điểm khác nhau trong thời gian 1984-2003, chức năng phổi được đánh giá cùng thời điểm này bằng máy đo dung tích phổi.
Ở những người bị thiếu hụt vitamin D, cứ tăng 1 đơn vị về số bao thuốc-số năm hút thuốc thì thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây (forced expiratory volume in one second – FEV1) trung bình giảm 12ml, so với giảm trung bình 6,5ml ở những người không thiếu hụt vitamin D. Trong các mô hình dọc thì thiếu hụt vitamin D làm cho tác động này trầm trọng hơn theo thời gian.
Không thấy tác động rõ rệt của nồng độ vitamin D lên chức năng phổi hoặc giảm chức năng phổi ở quần thể nghiên cứu nói chung, bao gồm cả người hút thuốc và người không hút thuốc.
Bác sĩ Lange cho biết: “Những tác động này có thể là do các đặc tính chống viêm và chống ô-xy hóa của vitamin D. Nghiên cứu trong tương lai cũng nên xem xét liệu vitamin D có bảo vệ chống tổn thương phổi do các nguyên nhân khác, như ô nhiễm không khí hay không”.
Theo bác sĩ Alexander C. White, chủ tịch Ủy ban hành động về thuốc lá của Hội Lồng ngực Hoa Kỳ: “Trước tiên và tốt nhất là những bệnh nhân hút thuốc nên được cảnh báo đầy đủ về các di chứng đối với sức khỏe của khói thuốc và có thêm những trợ giúp để họ cai thuốc”.