Việc Bộ Công an đưa ra mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới, trong đó có ghi thông tin về cha, mẹ đang gây dư luận trái chiều. Đúng ra, từ 1-7-2012, mẫu mới này đã được ra mắt người dân, nhưng đến nay, vẫn chưa triển khai được.
Tiện cho quản lý
Trả lời báo chí, Thượng tá Cao Xuân Lượng, Phó trưởng Phòng Hộ khẩu và CMND, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính và trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, mẫu CMND mới được làm bằng nhựa, khổ nhỏ hơn mẫu cũ, theo chuẩn quốc tế, có phôi bảo an, mã vạch. CMND cũ chỉ có 9 số nhưng mẫu mới có đến 12 con số. Khác biệt đáng chú ý là sẽ có thêm thông tin về họ tên cha, mẹ trên mặt sau của tấm CMND.
Theo kế hoạch, các quận, huyện Hoàng Mai, Tây Hồ và Từ Liêm của TP.Hà Nội sẽ được thực hiện thí điểm cấp CMND mẫu mới và đến năm 2016, việc cấp CMND theo công nghệ mới sẽ được triển khai trên toàn quốc. Hiện, những CMND cũ còn hạn sử dụng vẫn có giá trị, việc đổi CMND theo công nghệ mới được thực hiện đối với những trường hợp: CMND hết thời hạn sử dụng; hư hỏng không sử dụng được; thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh; thay đổi đặc điểm nhận dạng… Việc cấp lại được thực hiện trong trường hợp bị mất CMND. Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ là 15 năm.
Mẫu CMND mới được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng việc một người sở hữu nhiều CMND khác nhau do chuyển hộ khẩu từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác. Theo mẫu mới, mỗi công dân khi được cấp CMND mới sẽ chỉ có một mã số chứng minh, một mã vạch và sẽ theo công dân đó đến suốt đời. 12 chữ số tự nhiên trên CMND do Bộ Công an cấp, quản lý thống nhất trên toàn quốc; trường hợp đổi, cấp lại thì vẫn giữ nguyên số ghi trên CMND đã cấp lần đầu nên khi một người chuyển từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác sẽ vẫn giữ một số CMND chứ không phải đổi số CMND như hiện nay. Mã số này cũng sẽ đồng thời là số của thẻ công dân điện tử sau này.
Theo ngành công an thì việc thêm tên cha, mẹ vào CMND là để quản lý tốt hơn vì mỗi người chỉ khác nhau dấu vân tay và tên bố mẹ. Những điểm khác biệt nổi bật này được ghi nhận ngay trong CMND sẽ tiện lợi cho cơ quan chức năng khi cần tìm nhanh một cá nhân nào đó. Một số luật sư cũng đồng tình với việc ghi tên cha, mẹ trên CMND vì trong nhiều giao dịch dân sự, để chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, người dân phải xuất trình giấy khai sinh. Nay, nếu CMND ghi luôn tên cha mẹ thì chỉ cần xuất trình CMND là đủ, đỡ phải dùng đến giấy khai sinh, tiện lợi cho người dân.
Tiện thì có tiện, nhưng…
Thế nhưng, rất nhiều người dân khi biết thông tin trên CMND mẫu mới gồm cả tên cha mẹ lại thấy “bất ổn”. Thuận tiện cho quản lý thì rõ, nhưng cũng rõ là sẽ “ngậm ngùi”, khó xử cho những người sinh ra ngoài giá thú, hay bố mẹ từng phạm lỗi lầm, hay giữa cha mẹ và con có những mâu thuẫn mà không muốn “nhìn mặt nhau”…
Nhiều người cho rằng, CMND là một cái thẻ để xác nhận nhân thân của một cá nhân chứ không phải là bản hồ sơ lý lịch. Và để xác nhận nhân thân một cá nhân thì cần thiết có đủ thông tin riêng để nhận dạng của bản thân người đó như tên, tuổi, nhóm máu, màu tóc, màu mắt… Bởi vậy, nếu muốn tìm hiểu về nhân thân một cá nhân, thì các cơ quan chức năng vẫn cần giở hồ sơ lý lịch chứ không nên nêu hết thông tin nhân thân vào CMND.
Việc đưa tên cha, mẹ vào CMND sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề nhạy cảm vì CMND được sử dụng trong nhiều giao dịch hàng ngày. Bất cập trước hết là với những người không có cha, hoặc có cha nhưng cha con họ vì lý do nào đó chưa thể nhận nhau về mặt pháp lý thì phải bỏ trống phần ghi về tên người cha trên CMND, tương tự như trong giấy khai sinh. Và mỗi khi phải xuất trình CMND, chắc chắn người này sẽ không thể cảm thấy thoải mái khi mình không có tên cha, hoặc có ai đó “thắc mắc” khi nhìn thấy sự “bất thường” trên CNMD của họ. Điều này cũng có thể khiến họ tự ti trong các giao dịch, hoặc sẽ luôn nhắc đến một “nỗi đau” khó giãi bày.
Hay những người không may có cha mẹ phạm tội từng bị nêu tên rộng rãi, thì tên cha mẹ của họ trong CMND cũng đồng thời là nỗi mặc cảm, là chuyện cũ muốn giấu đi không được. Trong những trường hợp này, có tên cha mẹ từng là “kẻ lừa đảo, phạm trọng tội” trong CMND thì cũng đồng thời làm cho việc tạo lập các mối quan hệ làm ăn của người con bị “ấn tượng nhân thân” chi phối. Hay những người có bố mẹ đã mất, thì tên cha mẹ trên CMND luôn nhắc họ đến một nỗi đau lẽ ra đã nguôi ngoai…
Những bất cập được người dân nêu ra rõ ràng là có lý. CMND là giấy tờ tùy thân được sử dụng nhiều nhất trong các quan hệ, giao dịch của mỗi người nên thông tin trên CMND cần được cân nhắc cụ thể, không nên chỉ vì tiện cho quản lý mà đẩy sự “bất tiện” sang cho người dân!
ngoctu0607 đã bình luận
CMND la xác nhận thông tin cuả cá nhân sao phải ghi tên cha mẹ vô làm gì? Nếu để tiện cho quản lý thì các bác nghĩ xem còn tích thêm dc gì thì thêm luôn đi chẳng hạn như ông bà ngày xưa làm gì, có phải là địa chủ hay có theo Pháp, theo Ngụy…. Hay ko? Như thế sẽ tiện cho việc điều tra lý lịch nhất là với những người dc kết nạp Đảng heeee lúc đó tấm CMND chắc phải to bằng cái bảng