Trong quá trình nuôi dưỡng con cái, chắc chắn cũng có không ít lần bố mẹ không thực hiện được lời hứa của mình với con. Khi bé thấy rõ việc thất hứa lặp đi lặp lại nhiều lần thì trong đầu con sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực là bố mẹ không còn yêu con nữa hoặc con sẽ mất đi niềm tin vào bố mẹ.
Trạng phét
Bạn Tí đang chơi cùng Bốp thì mẹ gọi về tắm. Tí không chịu về cứ chần chừ vì đang chơi đồ chơi thuyền rồng của Bốp. Thấy vậy, Bốp bảo Tí: “Cậu cứ về đi, tẹo nữa tớ mang thuyền sang nhà cậu chơi”.
Mẹ cho Bốp một nắm kẹo để chia cho các bạn. Mỗi bạn được hai chiếc, đến bé Na thì hết thành ra Na chỉ được một chiếc. Thấy vậy, Na lăn đùng ra khóc ăn vạ. Không biết làm thế nào, Bốp vội vàng nịnh Na: “Na nín đi, mai anh lại xin mẹ kẹo, chia cho em nhiều nhất, 10 cái liền nhé”.
Bốp chơi đồ chơi vứt quăng quật bừa bãi, đến lúc mẹ gọi đi tắm thì Bốp ba chân bốn cẳng chạy lên gác và không quên nói với lại: “Bố ơi, cất đồ chơi hộ con hôm nay, mai con sẽ tự cất”.
Bốp có thói quen chạy chân đất ra ngoài đường chơi, dù ông bà nhắc bao nhiêu lần Bốp cũng không nghe. Nhưng gần đây, Bốp có vẻ thay đổi “chiến thuật”. Mỗi lần ông bà nhắc là Bốp lại leo lẻo: “Ông, bà mua bim bim cho cháu, từ nay cháu không chạy chân đất ra ngoài đường nữa ạ”.
Đó chỉ là một vài trong nhiều những lời hứa hẹn mà ngày nào mọi người cũng nghe thấy Bốp nói. Bốp nói rất hay, rất nhẹ nhàng như thể đó là chuyện rất… đương nhiên. Vấn đề là ở chỗ Bốp không bao giờ thực hiện đúng lời hứa của mình. Vậy nên chẳng ai thấy lạ khi Bốp được đặt cho biệt hiệu “Trạng phét”.
Trở thành “Trạng phét” là nhờ… bố mẹ
Trong khi mọi người cảm thấy khó chịu vì tính hứa hão của Bốp thì bố mẹ Bốp lại thấy hết sức bình thường.
Thậm chí, không ít lần bố mẹ còn đem chuyện này ra khoe với bạn bè chỉ để được người ta kết luận một câu: “Thằng bé này khôn đáo để” hoặc “Bé tí đã khôn thế, biết nịnh nọt, mồm miệng đỡ chân tay đấy”.
Những lúc như vậy, bố mẹ Bốp cười tít mắt và nhớ lại những… lời hứa của mình.
Bốp không chịu ăn, mẹ vừa cầm bát cơm vừa dỗ dành: “Ăn ngoan đi rồi mai mẹ cho đi công viên chơi”.
Bốp chơi đồ chơi vứt bừa bãi không dọn dẹp, bố nhắc nhở: “Cất hết đồ chơi nhanh, mai bố mua đồ chơi siêu nhân mới cho”.
Bốp đi học không ngoan, bị cô giáo phạt, mẹ răn dạy Bốp: “Từ mai phải nghe lời cô giáo thì mẹ mới cho đi bơi và đi vườn thú”.
Nhờ con cất dọn đồ đạc trong nhà, bố hứa sẽ cho con đến nhà bạn này, bạn kia chơi…
Cứ như vậy, chuyện bố mẹ Bốp hứa cái này, cái kia trở nên quá đỗi quen thuộc trong các câu giao tiếp hàng ngày với Bốp. Nhưng bố mẹ Bốp cũng chẳng bao giờ thực hiện được những lời hứa đó. Lý do của bố mẹ bao giờ cũng là: bố mẹ đang bận, mẹ chưa có lương, con chưa ngoan…
Càng ngày Bốp càng quen dần với những kiểu hứa của bố mẹ và Bốp cũng không còn mong chờ bố mẹ thực hiện những lời hứa đó nữa. Thay vào đó, Bốp cũng bướng hơn, ít cố gắng để đạt những gì mà bố mẹ mong muốn.
Tệ hơn là Bốp cũng đã biết hứa như bố mẹ.
Trong quá trình nuôi dưỡng con cái, chắc chắn cũng có không ít lần bố mẹ không thực hiện được lời hứa của mình với con. Khi bé thấy rõ việc thất hứa lặp đi lặp lại nhiều lần thì trong đầu con sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực là bố mẹ không còn yêu con nữa hoặc con sẽ mất đi niềm tin vào bố mẹ.
Hậu quả là lời nói của bố mẹ sẽ không còn giá trị và bé không nghe lời bố mẹ mỗi lần được bố mẹ yêu cầu hay hứa hẹn.