Là giáo viên nên với chị Lan, lời ăn tiếng nói là vô cùng quan trọng. Thế nhưng bố mẹ chồng chị lại không nghĩ vậy. Trẻ con lúc nào cũng dạ, vâng ngoan ngoãn hay “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” bị bố chồng chị đánh giá là cù lần, kém thông minh. Bố chồng chị lúc nào cũng nói trẻ con phải bạo dạn, tinh nghịch mới vui cửa, vui nhà.
Chửi bậy mới… thông minh
Là giáo viên nên với chị Lan, lời ăn tiếng nói là vô cùng quan trọng. Thế nhưng bố mẹ chồng chị lại không nghĩ vậy. Trẻ con lúc nào cũng dạ, vâng ngoan ngoãn hay “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” bị bố chồng chị đánh giá là cù lần, kém thông minh. Bố chồng chị lúc nào cũng nói trẻ con phải bạo dạn, tinh nghịch mới vui cửa, vui nhà.
Để vui cửa, vui nhà, bố chồng chị dạy bé San… chửi bậy. Đầu tiên là chửi con ruồi, con muỗi. Sau “cấp độ” được nâng cao lên, bé được dạy chửi… ông bà, bố mẹ. Hàng xóm sang chơi thường xuyên giật mình thon thót khi cái mồm be bé, xinh xinh của San la toáng lên: “đm… ông nội”.
Bố chồng chị Lan giải thích: “Không nên bắt bọn trẻ lù rù như ông cụ. Phải tạo không khí vui vẻ cho chúng nó năng động, thoải mái. Chửi bậy rõ ràng không tốt rồi nhưng chúng nó có hiểu gì đâu. Vui vẻ là chính ấy mà. Lớn lên uốn nắn dần cũng có sao đâu. Bố nó ngày xưa tôi luyện chửi bậy suốt mà lớn lên vẫn gọi dạ, bảo vâng đó thôi”.
Chị Lan cực lực phản đối cách dạy con thông minh quái lạ này. Nhưng vốn thấp cổ bé họng nên chị Lan chẳng thế xoay chuyển được tình thế. Quan trọng hơn, chị không có đồng minh. Bà nội thì kệ ông muốn làm gì thì làm trong khi chồng chị dù không thích nhưng vẫn phải công nhận ông… nói đúng. Anh là “sản phẩm” rõ nét nhất của “giáo trình” đào tạo kỳ quặc này. Thực tế là anh rất thông minh và không hề sa ngã bởi những lời chửi tục kia.
Chẳng có lý do gì cụ thể nhưng bà Lành lại rất thích giao tiếp với bé Tuệ Anh bằng những lời nói đầy mùi “xú uế”. Những phát ngôn kiểu như “có cục c… ấy” hay “vãi đ…” liên tục được hai bà cháu “bắn ra” khiến ai đi ngang qua cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Biết mẹ chồng văn hóa thấp nên chị Hoa không dám phê phán kịch liệt. Chị chỉ dám phát biểu cách nói đó không phù hợp với trẻ con. Tuy nhiên, với phản ứng yếu ớt, chị Hoa không đủ sức khiến mẹ chồng sửa đổi ngôn từ.
Thông minh kiểu… hư hỏng
Mặc dù đơn phương độc mã chiến đấu với bốn “đối thủ” nhưng chị Lan vẫn không nản lòng. Chị vẫn quyết tâm tìm lại sự trong sáng trong tiếng Việt cho con yêu. Muốn đối phó được với bố chồng ghê gớm nổi tiếng “cả vú lấp miệng em”, chị Lan phải nát óc suy nghĩ. Cuối cùng, chị cũng tìm ra một cách vô cùng hữu hiệu.
Chẳng là bố chồng chị rất mê khiêu vũ. Ông lập hẳn một nhóm các “bô lão” thường xuyên đi nhảy. Sau một thời gian tìm hiểu, chị Lan nhận thấy bố chồng chị rất nể bác Trường, trưởng nhóm. Bác Trường vốn là giảng viên đại học nên cách sử dụng ngôn từ của bác rất chuẩn mực. Thế là chị dựng kịch bản để làm quen rồi mời bác về nhà chơi.
Thấy vị trưởng nhóm đáng kính về nhà mình chơi, bố chồng chị Lan mừng lắm. Ông giục vợ chuẩn bị đồ ăn, thức uống chu đáo để đãi khách quý. Theo đúng kế hoạch, chị sẽ “tạo điều kiện” cho con chạy ra…. chửi ông nội. Không cần phải nói cũng đủ biết bố chồng chị ê mặt như thế nào với khách quý.
Từ sau sự cố đó, ông trầm ngâm hẳn. Không tuyên bố nhưng ông từ từ “cai nghiện” nói bậy cho cháu. Chị Lan thở phào nhẹ nhõm: “Tôi đã phải dùng rất nhiều mưu kế mới thành công. Dẫu có để ông nội xấu mặt một chút nhưng con không nói bậy nữa là tôi như trút được gánh nặng ngàn cân”.
Trong khi đó, chị Hoa không nỗ lực “chiến đấu” bảo vệ sự trong sáng ngôn từ cho con nên càng lớn bé Tuệ Anh càng hăng say nói tục, chửi bậy. Đi kèm với nó là “tác dụng phụ” đôi khi còn nguy hiểm hơn cả “tác dụng chính”. Đó chính là thói côn đồ, cục súc. Dù mới 11 tuổi nhưng Tuệ Anh đã đi phá quấy phố phường, bắt nạt bạn bè. Cứ một vài tháng, cô giáo chủ nhiệm lại mời phụ huynh lên ca thán.
Chị Hoa phàn nàn: “Tôi cảm thấy hối hận vì mình đã nhu nhược, mặc kệ bà nội dạy cháu chửi bậy. Bây giờ, văng tục là câu cửa miệng cháu. Cháu bảo đấy là vũ khí đe nạt bạn bè. Tôi bất lực rồi. Chẳng biết dạy cháu thế nào bây giờ”