Theo các chuyên gia tâm lý, cái cần đánh ở đây là “đánh” vào tiềm thức, ý thức của bé để trẻ nhận ra đúng sai. Khái niệm thương cho roi cho vọt ở một số trường hợp cũng phát huy công dụng răn đe, nhưng cần nhìn nhận trẻ ở độ tuổi nào để có mức phạt phù hợp. Không dùng đến roi mà trẻ vẫn nghe lời, đấy mới là “super bố mẹ”.
Chị Phạm Thị Quế Anh (Q.3, TP.HCM) có 2 con nhỏ, một đứa lên 6, một đứa tròn 1 tuổi. Trước đây, dù được chiều chuộng hết lòng, bé lớn nhà chị vẫn rất ngoan. Gần đây, chị mới đau đầu vì bỗng dưng con bé trở chứng, rất hay nghịch ngợm quá mức, lại cứng đầu, khó bảo. Để ý tìm hiểu, chị phát hiên ra, từ khi chị sinh cháu thứ hai, thời gian dành cho cháu lớn ít dần, có lẽ vì vậy, cô bé tủi thân, cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Chị Quế Anh cho biết: “Hình như cháu nghĩ chỉ có quậy thì ba mẹ mới quan tâm mình trở lại. Những lúc vui vẻ, tôi còn cười đùa chiều chuộng, nhưng khi quá mệt mỏi, tôi phải dùng đến đòn roi để dạy con như ba mẹ dạy mình thuở nhỏ. Biết lạm dụng đòn roi để răn dạy con là không tốt nhưng phải bị đòn cháu mới ngừng quậy phá”.
Roi vọt = Bất lực?
Chuyện của chị Quế Anh chẳng xa lạ, các bậc làm cha mẹ dù thương con nhiều đến mấy cũng có lúc không thể kiềm chế được cảm xúc, phải dùng đến roi vọt để giải tỏa cơn giận tức thời, dẫu biết rằng có thể làm tổn thương con cái.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh (Q.7, TP.HCM) cũng đau đầu bởi “cặp bài trùng siêu quậy” của nhà mình. Chị có 2 cháu, một bé lên 3, một bé lên 5. Cu cậu 5 tuổi nhà chị khá hiếu động, rất thích chạy nhảy, thường làm vỡ đồ đạc trong nhà. “Những lúc như vậy, tôi lại thấy mình bất lực, nổi đóa lên đánh con. Đánh không phải vì tiếc của, tôi chỉ muốn con nhớ mà chừa bởi những đồ vật ấy có thể đè lên người bé, nguy hiểm lắm”, chị Kim Anh cho biết.
ThS. Trần Thị Ái Liên, người sáng lập Công ty Bạn Của Bé cho biết: “Trẻ dưới 5 tuổi có vẻ có nhiều nhu cầu, đòi hỏi không chính đáng. Theo quan điểm truyền thống, khi con hư, sai phạm thì cha mẹ dùng đòn roi để giải quyết. Nhưng, không có trường hợp nào đánh con là chính đáng cả. Các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn dạy con, khi con sai hãy chỉ ra lỗi để con không lặp lại”.
Theo các chuyên gia tâm lý, cái cần đánh ở đây là “đánh” vào tiềm thức, ý thức của bé để trẻ nhận ra đúng sai. Khái niệm thương cho roi cho vọt ở một số trường hợp cũng phát huy công dụng răn đe, nhưng cần nhìn nhận trẻ ở độ tuổi nào để có mức phạt phù hợp. Không dùng đến roi mà trẻ vẫn nghe lời, đấy mới là “super bố mẹ”.
Để con được khóc
Khi phạt con, bố mẹ thường mắc khá nhiều sai lầm: Cấm con khóc, nói với con quá nhiều “luân lý”. Theo ThS. Trần Thị Ái Liên, nhiều phụ huynh sau khi đánh con thường dọa nạt: “Nín, con trai không được khóc!”. Thực ra, cũng như người lớn, khóc là cách giải tỏa tâm lý hữu hiệu cho bé. Vậy nên, đừng cấm con bạn khóc.
Chị Hồ Ngọc Linh (Q. Tân Bình, TP.HCM) cho biết, khi con mắc lỗi, chị cũng giải thích vì sao con bị phạt. Tuy nhiên, sau đó, dường như con chị thường không nhớ gì những điều mẹ dạy sang sảng ban nãy. Chị rút kinh nghiệm: ”Khi dạy trẻ chỉ nên dạy một điều mỗi lần. Có như vậy, trẻ mới tiếp thu và nhớ được”. ThS Ái Liên phân tích: “Việc dạy trẻ một cách nghiêm khắc thực ra chỉ hiệu quả khi trẻ được 6 tuổi trở lên, ở tuổi này trẻ mới bắt đầu có nhận thức tương đối và có ý thức trách nhiệm cho hành vi của mình”.
Lúc này, phụ huynh cần lập ra một bảng quy ước, nguyên tắc dành cho ba mẹ và con cái dựa trên những thỏa thuận bình đẳng với con. Ví dụ: không được nhận tiền và quà của người khác khi chưa được ba mẹ đồng ý, không được phép đi với người lạ, trước khi ngủ phải tắt đèn, không xem tivi quá lâu… Theo đó, người nào thực hiên tốt quy ước sẽ được cộng điểm và ngược lại. Tùy theo lứa tuổi mà có mức thưởng phạt phù hợp, không đặt nặng vật chất.
Chê hành động xấu, không chê con
Lời khen là thứ phần thưởng “rẻ” nhưng đáng giá nhất. Cũng vậy, một lời chê bai không cân nhắc đều có khả năng làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ.
Khi chê con, phụ huynh nên dùng chủ ngữ ở đầu câu, ví dụ: “sữa lại đổ nữa rồi” thay vì “lại đổ sữa rồi”. Cách nói “lại đổ sữa rồi” làm trẻ cảm thấy mình là trung tâm của tội lỗi, con người mình đáng trách. Trẻ sẽ mất tự tin ở bản thân, xuống tinh thần. Hãy cho con hiểu bé sai ở chỗ nào, cho con thấy việc ba mẹ nhắc nhở khuyết điểm của con là mang tính xây dựng chứ không phải quy chụp, đánh giá thấp con kiểu: “Con hư, con lì!”.
Nhưng chê, phạt con thế nào cho đúng? Mỗi gia đình nên xây dựng một môi trường tự do nhưng có nguyên tắc cho trẻ ngay từ nhỏ. “Roi thần” ở đây chính là những nguyên tắc đó. Tùy theo độ tuổi và mức độ phạm lỗi của con mà cha mẹ có hình thức xử phạt khác nhau, hình phạt được khuyến khích là cắt giảm lợi ích của con, ví dụ: con ăn cơm không ngoan thì không được xem phim hoạt hình buổi chiều… Khi trẻ ý thức được hậu quả trực tiếp từ hành động của mình, trẻ sẽ nhớ để không tái phạm.
Chú ý, những hình phạt tưởng như rất bình thường như bắt con đứng úp mặt vào tường hàng giờ đồng hồ lại mang hàm ý sỉ nhục rất lớn, chỉ làm trẻ càng thêm bức bối và cảm thấy tổn thương. Ngoài ra, khi dạy con, ngoài phạt, phụ huynh còn phải biết thưởng, dựa vào sở thích và nhu cầu của trẻ.
Điều quan trọng hơn mọi hình phạt là ba mẹ phải làm tấm gương để cho con noi theo. Mặt khác, không phải lúc nào ba mẹ cũng có thể ở bên cạnh can thiệp giúp con cái, đôi khi hãy cho phép con trải nghiệm, mắc sai lầm trong khuôn khổ để con có thể tự nhận ra những bài học quý cho bản thân mình.