Trước ngưỡng cửa của năm học mới, có nhiều bậc phụ huynh lại phải đau đầu vì việc con em của mình không có hứng thú đi học, chúng coi việc phải đi học hàng ngày như một sự ép buộc, thậm chí là một cực hình. Cần phải làm gì để trẻ thích đi học?
Những lý do khiến trẻ không thích đi học
Cha mẹ kỳ vọng quá cao ở trẻ:
Việc cha mẹ đưa ra nhiều yêu cầu về chuyện học hành, kỳ vọng quá cao vào trẻ khiến trẻ vì học quá vất vả mà dần trở nên không thích đi học.
Khó thích ứng với những yêu cầu của trường học:
Đến trường trẻ phải ngồi hàng giờ trong lớp, không được nói chuyện riêng, tuân thủ theo những quy định trong giờ học, phải chú ý xem thầy cô dạy gì, phải làm theo đúng lời thầy cô yêu cầu… Những yêu cầu đó không phải trẻ nào cũng thích ứng được và sẽ sinh ra những biểu hiện chán nản, thờ ơ và lẩn tránh việc học, việc làm bài tập về nhà…
Thất bại ở trường học:
Nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp thu những kiến thức ở trường như bị điểm kém, bị trách phạt… Điều này khiến cho trẻ cảm thấy chán nản, mặc cảm, tự ti về bản thân và không thích đi học.
Sự cô đơn:
Một trong những lo lắng làm trẻ không muốn đến trường là do trẻ sợ sự cô đơn. Nguyên nhân chính có thể là do ở nhà trẻ quá được bao bọc, chiều chuộng. Do vậy, khi đến trường trẻ khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ với các bạn cùng trang lứa.
Khắc phục tâm lý không thích đi học ở trẻ
Muốn con coi việc đi học là bình thường và trở nên thích đi học thì cha mẹ phải:
Tìm hiểu nguyên nhân:
Khi thấy con chán học, bạn nên bình tĩnh tìm nguyên nhân. Hãy hỏi xem tại sao trẻ không muốn đi học. Khi con bạn nói ra ý kiến của riêng mình, bạn nên kiên nhẫn lắng nghe mà không nên ngắt lời trẻ, đợi cho đến khi trẻ nói xong rồi hãy trao đổi lại với con.
Kết hợp với giáo viên của trẻ:
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, cha mẹ và thầy cô giáo cần trao đổi rõ ràng về những vấn đề mà trẻ đang gặp phải để phối hợp lập kế hoạch giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Động viên:
Khi con không thích đến trường, cha mẹ không nên quát mắng, chê bai hay có thái độ hờ hững mà nên thường xuyên khích lệ, giúp đỡ trẻ trong quá trình học cũng như trong việc thiết lập mối quan hệ với các bạn ở trường. Hãy giúp con có thêm nhiều bạn bè để con thích đi học hơn.
Loại bỏ những áp lực với trẻ:
Cha mẹ nên chú ý dành cho trẻ một sự tự do nhất định, tạo nên một môi trường thoải mái để con có hứng thú học tập một cách tự nhiên. Hãy tạo điều kiện để trẻ vừa học vừa chơi, để trẻ cảm thấy việc học tập cũng rất lý thú và cần thiết chứ không phải là một nhiệm vụ quá nặng nề.
Giúp trẻ học có phương pháp:
Bạn nên kiên trì giúp trẻ tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ gặp khó khăn trong học tập và dạy trẻ những phương pháp học tập một cách khoa học và hiệu quả.
Giúp trẻ cảm nhận được thú vui học tập:
Cha mẹ nên thường xuyên nói những điều tốt về trường học, khích lệ để trẻ tự tin khi đến trường. Khi con có tiến bộ, dù rất nhỏ, cha mẹ cũng nên biểu dương trẻ kịp thời. Nếu có thể, nên thưởng cho con những món quà nhỏ để động viên.