Các mức đóng góp công khai theo quy định ở trường mầm non công lập khá hợp lý. Tuy nhiên, nhiều chi phí “phụ” được lập ra trong quá trình học, khiến tổng chi phí cho trẻ cao ngang bằng ở các trường dân lập hạng trung – nơi có nhiều dịch vụ chăm sóc tốt hơn…
Từ tự nguyện đến… bắt buộc
Trao đổi với một số phụ huynh tại một trường mầm non mới khánh thành ở huyện Đông Anh (Hà Nội), được biết những khoản mang tên “tự nguyện” mà phụ huynh nghiễm nhiên phải đóng ngoài học phí đã thành lệ hàng năm, không cần bàn bạc lại như tiền bán trú, tiền vệ sinh, tiền mua nước tinh khiết có thể tăng theo thời giá…
Chị Loan cho biết, những khoản đóng góp để trang bị cơ sở vật chất cho các con như điều hòa thì phụ huynh sẵn sàng đóng góp nhưng tiền điện dùng điều hòa thì mức trung bình tại các trường thu là 12.000 – 15.000 cháu/tháng. Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng số tiền trên quá nhỏ, không đáng quan tâm nên đều vui vẻ móc hầu bao ra để đóng góp. Tuy nhiên, theo chị Loan: “Một lớp như lớp con gái tôi có 75 cháu thì trung bình một tháng phụ huynh đóng góp tổng cộng 750.000 đồng/tháng mà điều hòa thì không phải ngày nào cũng bật. Chưa kể đến chế độ điện nước mà các trường đang sử dụng theo chế độ ưu tiên của khối hành chính sự nghiệp. Hay như việc tiền ăn hàng tháng đã nộp rồi nhưng tiền nước uống (nước khoáng) vẫn thu đều đặn là 20.000 đồng/tháng như thế là hơi nhiều”.
Chị Loan cho biết thêm, đối với các cháu bé, việc tổ chức các lớp tham quan, dã ngoại là hoạt động hết sức bổ ích và thiết thực. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai các hoạt động đó vẫn còn nhiều bất cập. Các cháu thường được sắp xếp cho đi tham quan ở những địa điểm nội thành trong vòng 1 ngày (thực chất buổi dã ngoại chỉ gói gọn trong nửa ngày) nhưng mức phí thu thường dao động 100.000 – 200.000 đồng.
Mặc dù trong buổi họp phụ huynh đầu năm các phụ huynh được thông báo các khoản đóng góp cho các con có khoản trang bị đồ dùng cho các con nhưng sau đó phụ huynh vẫn phải góp tiền mua đệm, chăn chiếu. Đóng quỹ trường rồi những quỹ lớp vẫn mặc nhiên được sinh ra để chi vào việc mua sắm dụng cụ học tập cho các cháu mà đáng lẽ ra cái này nhà trường phải có trách nhiệm trang bị.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ sẵn sàng hoàn toàn ủng hộ các hoạt động từ thiện ngoài học phí như ủng hộ đồng bào lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam… bởi những khoản đóng góp này có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với con trẻ về tinh thần tương thân tương ái và có ý nghĩa xã hội sâu rộng. Có phụ huynh còn cho rằng: “Chỉ cần làm phép cộng nhẩm đơn giản thì học phí cùng những khoản thu lặt vặt cộng dồn vào cũng xấp xỉ bằng mức đóng góp cho con đi học ở trường ngoài công lập hạng trung. Cũng may, thời gian gần đây, khâu kiểm soát của cấp trên gắt gao hơn nên việc các khoản thu nhập nhèm cũng bớt hơn”.
Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận được hiện nay các em nhỏ ở trường mầm non đặc biệt thích thú với một số ấn phẩm dành cho trẻ thơ như: Ấn phẩm Họa mi, Hoàng tử và công chúa… Tuy nhiên, những ấn phẩm này không nằm trong chương trình giảng dạy nên nhà trường chỉ đóng vai trò “nhà cung cấp” cho học.
Khi được hỏi vì sao lại thích những ấn phẩm này và luôn đòi hỏi bố mẹ mua bằng được mỗi khi phát hành bộ mới thì bé Ngọc Anh (5 tuổi) hiện đang theo học tại trường mầm non H.H (Thanh Trì, Hà Nội) hồn nhiên nói: “Xem sách này con rất thích vì có nhiều hình vẽ là công chúa, hoàng tử, màu sắc lại rất đẹp”. Trên thực tế những ấn phẩm này có giá từ 15.000 đồng – 17.000 đồng và được bán đúng với giá bìa nhưng một số phụ huynh vẫn chưa thực sự hài lòng với nội dung mà ấn phẩm muốn chuyển tải.
Chị Thu Mây (mẹ bé Ngọc Anh) bày tỏ quan điểm: “Những ấn phẩm đó 90% là hình vẽ các nhân vật trong truyện cổ tích với màu sắc khá bắt mắt nhưng được cụ thể hóa vào cuộc sống thực tế thành những câu chuyện nhỏ. Điều đáng nói ở đây là, ấn phẩm chỉ đơn giản là những trò chơi ghép quần áo đẹp cho hoàng tử, công chúa đi dự tiệc và những câu chuyện lồng ghép đó khá nhạt, tính giáo dục chưa cao. Đơn cử một câu chuyện của loại ấn phẩm này nói về nhân vật công chúa Ariel (là nhân vật nàng tiên cá rất quen thuộc với các em nhỏ) đang băn khoăn khi lựa chọn quà sinh nhật cho vua thì được một nhân vật khác gợi ý nên trang trí cung điện sao cho thật đẹp để chúc mừng sinh nhật đức vua”.
Lớp năng khiếu ở… gầm cầu thang
Các trường mầm non công lập có ưu điểm là chương trình học năng khiếu (múa, hát, vẽ…) khá đa dạng mà mức phí khá thấp (dao động 50.000 – 100.000 đồng/lớp) nên nhiều phụ huynh hào hứng ghi tên cho con theo học với quan niệm: “Chả đáng bao nhiêu, lại nâng cao được nhận thức cho con”.
Chị Minh Hạnh hiện đang có con theo học tại trường H.M gần khu chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi ghi tên cho con theo học lớp đào tạo tiếng Anh với học phí 450.000 đồng/tháng. Đây là lớp năng khiếu có mức học phí đắt nhất trong danh sách các môn học ngoại khóa. Phần lớn các lớp học này thường được bố trí học từ 16h – 17h và được tách làm 2 khu: Khu cho trẻ vui chơi để chờ phụ huynh đến đón và khu tổ chức các lớp học. Rất may là cơ sở vật chất của trường khá tốt nên việc bố trí địa điểm học được phân rõ ràng nên các cháu có điều kiện tập trung vào việc tiếp thu kiến thức mà không lo bị ảnh hưởng bởi các bạn khác”.
Chị Vũ Thanh Loan (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết, hai con của chị đều đang theo học ở trường mầm non H.H thuộc địa bàn xã Mễ Trì. Đây là một trường mầm non xây dựng khá tốt theo các tiêu chí về “chuẩn” do bộ giáo dục quy định khiến chị khá hài lòng. Thấy cô con gái tha thiết xin học vẽ nên chị Loan đăng ký cho con một khóa học được mở tại trường với mức học phí 50.000 đồng/khóa. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có không gian để bố trí hợp lý cùng một lúc nhiều hoạt động nên một số trường không sắp xếp được địa điểm học cho các bé. Do thiếu phòng để tách lớp nên về thời gian sắp xếp đôi khi lịch học của lớp năng khiếu nọ chồng lên lịch của lớp kia dẫn đến việc lấn vào thời gian học chính của trường. Thậm chí, có những lúc cao điểm, việc các con học ở… gầm cầu thang không còn là chuyện hiếm thấy.
Chị Loan chia sẻ: “Trẻ con thì đam mê học cái gì mà được đáp ứng thì thích thôi nhưng tình trạng bỏ kiến thức cơ bản ở buổi học chính để theo học các môn năng khiếu về lâu dài sẽ khiến các cháu bị hổng kiến thức. Mặc dù hiện tượng này thỉnh thoảng mới xảy ra nhưng xét về hiệu quả tôi không tin tưởng nên chỉ cho bé tham gia một khóa học vẽ là dừng luôn, để thời gian cho con tập trung vào các kiến thức cơ bản”.