Càng lớn, trẻ sẽ phải tự lập nhiều hơn, sự xuất hiện của bố mẹ ở bên cạnh cũng ngày càng ít đi, nên nguy cơ trẻ bị bắt nạt cũng tăng lên. Các hành vi bắt nạt thường nhằm gây ra các thương tổn về thể xác, tinh thần đối với trẻ, khiến cho trẻ thường rơi vào trạng thái sợ sệt, thiếu tự tin khi đi ra ngoài hoặc thậm chí là không dám đến trường, xa sút trong việc học… Bởi vì chúng ta không thể luôn đi theo để bảo vệ con nên điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm là dạy con mình cách phòng chống lại việc bị người khác bắt nạt.
Bắt nạt là gì?
Bắt nạt là hành vi cố ý gây tổn thương về mặt tinh thần hay thể xác diễn ra trong một mối quan hệ. Đứa trẻ bắt nạt thực hiện hành vi gây hấn và kiểm soát để duy trì vị trí quyền lực đối với trẻ bị bắt nạt. Theo thời gian, việc gây hấn, kiểm soát dần gia tăng. Vấn đề này cũng có thể xảy ra giữa các nhóm trẻ em.
Hành vi bắt nạt được chia thành các loại sau:
– Bắt nạt về thể chất: là các hành vi làm tổn thương về thể chất ở trẻ như cắn, đá, xô đẩy, đánh đấm… Đây là hành vi bắt nạt thường xảy ra nhiều nhất với trẻ.
– Bắt nạt bằng lời nói: như đe doạ, chế nhạo, chòng ghẹo, đồn đại, vu khống…
– Bắt nạt bằng cách cô lập nạn nhân: làm cách nào đó để xua đuổi, tách nạn nhân ra khỏi các hoạt động nhóm, các hoạt động xã hội hoặc đưa ra các điều lệ nghiêm cấm tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động nhóm đối với nạn nhân…
– Các hình thức bắt nạt gồm có: đấm, đá, đánh, chế giễu, ăn cắp, xô đẩy, tung tin đồn nhảm, đe dọa, nhục mạ… Những hành vi này có thể làm hại trẻ về thể xác, tinh thần hoặc thiệt hại về đồ đạc của trẻ (quần áo, đồ chơi, tiền bạc…).
Tuy nhiên việc châm chọc, chế giễu… nhằm vui đùa thì không xem là hành động bắt nạt.
Những trẻ hay bị bắt nạt và biểu hiện của trẻ khi bị bắt nạt
Những trẻ sau thường là nạn nhân của sự bắt nạt
– Trẻ nam thường là nạn nhân bị bắt nạt nhiều hơn trẻ nữ.
– Trẻ có thể chất yếu đuối.
– Trẻ thiếu các khả năng về xã hội như có ít bạn bè, rụt rè ít giao tiếp…
– Trẻ có đặc điểm gì đó nổi trội hoặc khác so với các trẻ khác thường trở thành đối tượng của kẻ bắt nạt như học sinh mới chuyển trường đến, trẻ có đặc điểm thể chất khác thường lưng gù, đầu to, tóc đỏ, thấp bé…
Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính gần 75% giới trẻ ngày nay là thành viên của cuộc chạm trán trước khi chúng bước vào bậc trung học. Vì vậy mọi đứa trẻ đều có thể trở thành nạn nhân của các vụ bắt nạt.
Biểu hiện của trẻ bị bắt nạt
– Dấu hiệu cơ thể khi bị bắt nạt là trẻ bị trầy xước, bầm tím…
– Nếu không được chuẩn bị tinh thần để chống lại kẻ bắt nạt, trẻ thường có các biểu hiện tiêu cực như bỏ học, giả vờ ốm, sống thu mình. Cảm giác thiếu an toàn nghiêm trọng sẽ phá hủy môi trường và quá trình học tập, gây chia rẽ trong lớp và làm học sinh lo lắng, hạn chế sự sáng tạo của trẻ, khiến kết quả học tập giảm sút.
– Đối với những trẻ liên tiếp là nạn nhân của sự bẽ mặt, sợ hãi, lo lắng sẽ kéo theo sự suy nhược cơ thể, dần dần dẫn đến nhút nhát. Thậm chí, trẻ cảm thấy xấu hổ và coi mình là người thất bại, có khi hình thành ý nghĩ tự tử. Có trẻ khác vì cảm thấy quá uất ức và nghĩ đến cách trả thù.
Chân dung những kẻ bắt nạt
Những kẻ bắt nạt thường là những học sinh cá biệt học cùng lớp với trẻ hoặc những học sinh lớp lớn hơn, có thể đó là những đứa trẻ hàng xóm, những anh em họ hàng, thân quen với trẻ mà có tính hung hăng, lì lợm, không biết sợ và to khoẻ.
Những trẻ hay bắt nạt bạn bè có thể do thường xuyên bị người khác đối xử bạo lực hoặc bị mọi người trong gia đình bỏ bê, ít quan tâm, bị bạn bè và mọi người xa lánh, chế giễu… Có những trẻ coi bắt nạt người khác là cách để được mọi người chấp nhận, để có được tình bạn, để nổi tiếng, để chứng tỏ bản lĩnh anh hùng… Nhiều trẻ do ham mê các trò chơi điện tử có tính bạo lực, xem phim, đọc truyện bạo lực… dẫn đến việc bắt chước những hành vi bạo lực đó.
Các đặc tính của một kẻ bắt nạt là bốc đồng, thống trị, thiếu sự cảm thông, muốn trở thành trung tâm gây sự chú ý, thể hiện sự tự tin vào bản thân mình.
Giúp trẻ chống lại việc bị bắt nạt
Phòng tránh hiện tượng bắt nạt
– Giúp bé tự tin: Trước hết, bạn nên hướng dẫn bé tin tưởng vào chính bản thân mình để trực tiếp “đối mặt” với bạn xấu khi bị bắt nạt.
– Bạn có thể đưa ra các tình huống cụ thể để bé tập xử lí. Ví dụ: Tình huống bé đứng ở cổng trường và bị một nhóm bạn giật mũ thì bé nên làm thế nào?.
– Bạn cũng có thể “trang bị” cho bé một số mẫu câu biểu hiện mức độ cảnh cáo như: “Tránh ra, đừng có trêu trọc tớ, nếu không tớ sẽ nói với cô giáo và bố mẹ đấy”.
– Hướng dẫn bé cách tránh xa kẻ bắt nạt: Ở vào tình huống bị bắt nạt, hầu hết các bé sẽ xuất hiện tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ hãi và không biết hành xử như thế nào. Bạn nên cho bé biết rằng, dù bé im lặng để mặc cho các bạn xấu muốn làm gì cũng được hay đánh lại kẻ bắt nạt đều không phải là cách tốt. Tốt nhất, nếu gặp nguy hiểm bé hãy bỏ chạy thật nhanh và cầu cứu người khác. Khi đứng trước những đứa trẻ hay bắt nạt thì bé không nên gây mâu thuẫn, không làm tình huống thêm căng thẳng.
– Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý bổ sung dưỡng chất và tăng cường các hoạt động thể chất cho bé như cho bé đi tập thể dục hoặc tập võ thường xuyên để tăng cường thể lực. Với một cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn, linh hoạt, bé sẽ dễ dàng đối phó trong những tình huống xấu.
– Tình bạn là yếu tố rất quan trọng. Tình bạn là một pháo đài bảo vệ trẻ khỏi kẻ bắt nạt. Nếu trẻ gặp khó khăn khi kết bạn hoặc duy trì tình bạn, bạn hãy giúp đỡ tạo dựng được tình bạn trong sáng cho trẻ. Hướng dẫn trẻ cách chơi hoà đồng với bạn bè.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị bắt nạt?
Lắng nghe và đáp lại tất cả các điều trẻ phản ánh về việc mình bị bắt nạt kể cả những điều nhỏ nhặt như bị bạn gọi tên chế giễu .
Nếu trẻ bị tốn thương về cơ thể do bị bắt nạt thì cần kịp thời giúp trẻ khắc phục thương tổn đó.
Lưu bằng chứng, ghi nhận lại việc trẻ bị bắt nạt để yêu cầu những người có trách nhiệm xử lý và giúp đỡ.
Nếu tình trạng trẻ bị bắt nạt có dấu hiệu tái diễn nhiều lần hay bé liên tục bị thương tích, bạn hãy nhanh chóng trao đổi vấn đề này với giáo viên phụ trách trẻ và các phụ huynh khác đặc biệt là phụ huynh của đứa trẻ cá biệt hay đi bắt nạt bạn bè. Bạn hãy nhờ giáo viên hay các bậc phụ huynh khác đưa ra trách nhiệm và cách thức để giải quyết vấn đề này.
Nếu trẻ bị bắt nạt do các đối tượng ở gần nhà thì cha mẹ cần kịp thời can thiệp, đầu tiên là gặp các đối tượng bắt nạt trẻ để nói chuyện, ngăn chặn, nếu đối tượng không thay đổi thái độ thì cần sự can thiệp của những người lớn khác như cha mẹ của đối tượng hoặc nhờ đến sự can thiệp của cán bộ xã, phường…