Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, các cơ quan có chức năng thường lên tiếng nhắc nhở, đưa ra những văn bản quy định nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu của các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập. Năm nay, dù chưa có quy định về các khoản thu được phép ở các cơ sở nhưng nhiều trường đã yêu cầu phụ huynh phải đóng tiền.
Văn bản còn trên giấy
Để tránh tình trạng núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”, các trường tự đề ra hàng loạt các khoản thu vô lý, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Hà Nội đang xúc tiến việc xây dựng danh mục và mức trần các khoản thu khác trong nhà trường.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Văn bản sẽ quy định rõ những khoản nào là thu hộ, thỏa thuận, tự nguyện. Trong đó, với các khoản thu hộ, quy định nhà trường tuyệt đối không đứng ra thu mà chỉ các đơn vị chức năng mới được thu. Tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế phải do các đơn vị bảo hiểm trực tiếp tổ chức thu. Đồng phục phải do đơn vị cung cấp dịch vụ thu, nhà trường không thu… Danh mục này sẽ công khai để người dân cùng biết và giám sát”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thông tin: “Bộ cũng sắp ban hành thông tư quy định việc quản lý thu chi các khoản thu tự nguyện như thế nào để vận dụng vào trong nhà trường”. Theo đó, tất cả các khoản thu tự nguyện cũng phải đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường, phải có thiết kế, dự toán, làm xong phải có báo cáo công khai các khoản thu chi, sử dụng trên tinh thần tiết kiệm. Đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Tiền đã thu
Thế nhưng, trong khi những văn bản quy định rõ ràng về các khoản thu đầu năm học chưa kịp ra đời thì nhiều trường đã thu khoản gọi là “tự nguyện”.
Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho biết nếu là học sinh trái tuyến đều đã phải nộp một khoản mang tên tự nguyện xã hội hóa giáo dục. Mức “tự nguyện” này tùy vào danh tiếng của từng trường. Với những trường điểm, mức đóng góp này phải là tiền triệu. Trước đây khoản tiền này gọi là “tấm lòng vàng”, nhưng khi thấy quá nhiều tiêu cực, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cấm các trường không được thu khoản tiền này. Chính vì thế, vài năm gần đây, “tấm lòng vàng” đã được chuyển thành xã hội hóa giáo dục hoặc xây dựng cơ sở vật chất nhà trường.
Phụ huynh có con học tại các trường tiểu học Nam Thành Công, Kim Liên, Phương Mai ở Q.Đống Đa (Hà Nội) cho biết trước khi các học sinh trái tuyến làm thủ tục nhập học, phụ huynh được ban tuyển sinh đưa ra một danh sách yêu cầu phụ huynh ký và ghi khoản tiền tự nguyện. Trong đó mức ít nhất cũng là 1 triệu đồng. Nhiều phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Q.Ba Đình (Hà Nội) cũng thông tin khoản đóng tự nguyện xã hội hóa giáo dục mức ít nhất là… 2 triệu đồng, nhiều phụ huynh đến làm thủ tục sau (ngày 20-7) phải đóng 3 triệu đồng.
Phụ huynh có con học Trường tiểu học Trung Văn (huyện Từ Liêm), cho biết do là trường “làng” nên mức tự nguyện cũng 500.000 đồng, nhà nào có điều kiện hơn thì đóng 1 triệu đồng. “Tuy nhiên, không có mức thấp hơn, cũng không có ai “dám” từ chối tự nguyện”, một phụ huynh bày tỏ.
Tiếng là tự nguyện nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, khoản tiền này được đóng trước khi làm các thủ tục nhập học khác nên được xem như “vé vào cửa” bắt buộc, khiến phụ huynh dù muốn hay không cũng buộc phải rút hầu bao.
Điều đáng nói là hàng trăm triệu đồng tiền quỹ tự nguyện nói trên tiêu dùng vào việc gì luôn là một ẩn số với phụ huynh. Thậm chí chính giáo viên nhiều trường cũng cho hay, họ không hề biết khoản tiền này dùng vào việc gì vì không hề có chứng từ, sổ sách kế toán. Chỉ một bộ phận chủ chốt của trường biết thu chi thế nào mà thôi.
Trước thực tế này, nhiều phụ huynh mong muốn, ngành GD-ĐT nếu thực sự muốn chấm dứt lạm thu thì phải có quy định sớm hơn để người dân có cơ sở pháp lý từ chối các khoản thu vô lý như vậy. Tránh tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Lại tiền máy lạnh, đèn chiếu
Một phụ huynh của Trường tiểu học Minh Khai A (huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong buổi họp giữa phụ huynh và nhà trường ngày 31-7, nhà trường đã công bố nhiều khoản đóng góp rất phi lý. Cụ thể, theo thông báo mà trường này đưa ra thì giá mỗi bộ máy chiếu là 32 triệu đồng, nếu chia đều mỗi học sinh phải đóng 454.000 đồng. Ngoài ra học sinh còn phải đóng 598.000 đồng để mua máy điều hòa. Theo chia sẻ của vị phụ huynh này, mặc dù hiệu trưởng nhà trường khẳng định việc đóng góp này trên tinh thần tự nguyện, nghĩa là không bắt buộc nhưng lại nhấn mạnh cha mẹ học sinh nào không đồng ý tự nguyện đóng góp để mua điều hòa, máy tính và máy chiếu thì các con sẽ học ở phòng riêng không có điều hòa, máy tính, máy chiếu!?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Dương, Hiệu trưởng, cho rằng: “Đây là chủ trương của ban đại diện phụ huynh chứ không phải của nhà trường. Nếu đa số phụ huynh đồng ý thì sẽ trang bị máy chiếu cho tất cả các lớp”. Tuy nhiên, ông Dương cũng cho biết, hiện nay ban đại diện phụ huynh mới gửi thư ngỏ chứ chưa thu tiền. “Sở dĩ mức giá dự kiến là 32 triệu đồng/bộ máy chiếu (gồm máy tính và máy chiếu) vì tôi yêu cầu phải chọn loại máy tối tân, hiện đại” – ông Dương nói.
Theo Điều lệ Ban Đại diện phụ huynh không được phép đứng ra thu góp bất cứ khoản tiền nào, dù là tự nguyện để trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường. Đặt vấn đề này với ông Dương, ông cho hay: “Tôi thấy đề xuất của phụ huynh là hợp lý nên cho phép họ làm. Tất nhiên Ban giám hiệu phải cùng giám sát và có sự chỉ đạo sát sao. Phải 100% phụ huynh đồng ý chúng tôi mới cho làm”.