Bố mẹ là một hình tượng rất đẹp trong mắt trẻ, nên những lời căn dặn, chỉ bảo của họ luôn được con trẻ ghi nhớ và làm theo. Nhưng không hẳn lúc nào, cha mẹ hay người lớn cũng luôn đúng, liệu chúng ta có nhận ra?
Bố mẹ “to tiếng” với nhau
– Tuấn Ngọc (4 tuổi): Bố mẹ cháu hay cãi nhau lắm! Những lúc như vậy, bố gọi mẹ là cô, mẹ lại xưng tôi với bố. Thế rồi, bố bỏ đi không ăn cơm ở nhà, còn mẹ thì la mắng cháu. Sao người lớn hay giận nhau hả cô, có phải bố mẹ cháu sắp bỏ nhau không? Ước gì, bố mẹ đừng cãi nhau nữa…
– Hà Châu (5 tuổi): Hôm ấy, cả nhà đang ăn cơm, bỗng bố cháu ném vù cái bát xuống sàn nhà rồi bảo với mẹ: “Cô im ngay đi! Cằn nhằn từ chiều tới giờ, đến bữa cơm cũng không được yên!”. Cháu sợ quá, vì chưa bao giờ thấy bố như vậy. Bình thường, cả nhà rất vui vẻ. Sao bố mẹ yêu nhau mà lại cãi nhau, cô nhỉ? Bố mẹ làm cháu rất sợ!
* Lời bàn: Khi chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, chắc chắn các bé sẽ cảm thấy rất buồn, bị tổn thương và mất phương hướng. Như vậy, việc học hành và cả quá trình hình thành nhân cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, cha mẹ cần hạn chế cãi vã, to tiếng với nhau trước mặt con và nên xử lý những bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn.
Khi người lớn nói bậy
– Mai Chi (5 tuổi): Bố vừa xem bóng đá vừa nói: “Đập chết cha nó đi, cho nó chết luôn! Bọn này đá ngu thế?”. Mẹ cháu thì có hôm nói với bố: “Con ranh này làm em bực mình. Nó như con điên ấy, suốt ngày mời mua bảo hiểm”. Lúc xem phim, mẹ cũng chửi bậy: “Thằng này đểu vãi, mà con kia cũng ngu. Gặp phải chị mày, sẽ ăn ngay chục cái bạt tai…”.
– Minh An (6 tuổi): Bố mẹ dạy Minh An là không được nói bậy, vì như vậy là hư, không ngoan và không tôn trọng người khác. Thế mà bữa trước giận nhau, mẹ cháu nói: “Anh cút ra khỏi nhà cho tôi. Tôi không cần anh ở cái nhà này nữa. Cứ đi nhậu nhẹt, tụ tập với đám bạn dở hơi của anh đi!”. Bố quát: “Câm mồm, cô vừa phải thôi…”. Bố mẹ làm như thế là sai rồi, cô nhỉ?
* Lời bàn: Bố mẹ là một hình tượng rất đẹp trong mắt trẻ, nên những lời căn dặn, chỉ bảo của họ luôn được con trẻ ghi nhớ và làm theo. Vì vậy, muốn các bé không nói tục, chửi bậy thì trước hết, người lớn phải nghiêm khắc và làm gương. Nếu người lớn nói bậy trước mặt trẻ, chẳng những tự đánh mất đi hình ảnh đẹp của mình, mà còn làm cho chúng bị ảnh hưởng tật xấu này.
Không giữ lời với trẻ
– Minh Khang (6 tuổi): Con chán mẹ lắm, vì mẹ chẳng bao giờ nhớ tới những lời hứa với con. Mẹ bảo cho con đi sở thú, đi công viên nước, mua siêu nhân… bao nhiêu lần rồi mà đến giờ vẫn chưa thấy. Mẹ không giữ lời và nói dối hoài! Con ghét mẹ! Con thích làm con của… cô Hoa hơn, vì cô ấy chẳng bao giờ thất hứa như mẹ.
– Đoạn hội thoại giữa bé Tuấn Anh (6 tuổi) với bố: “Bố ơi! Mai là chủ nhật, nhà mình đi chơi công viên nhé!” – “Tiếc quá, bố bận mất rồi! Hẹn con chủ nhật tuần sau vậy nha!” – “Tuần trước, bố cũng nói thế. Lần này, bố nhất định phải đi. Mẹ đồng ý rồi!” – “Bố bận thật mà, mai bố không đi được đâu!” – “Con ứ biết đâu! Bố mà không đi, con nghỉ chơi với bố luôn!” – “Thằng này hư nhỉ? Nói không nghe à? Mày đi làm cho tao đi thì tao đi chơi với mày!” – “Bố hư lắm, nói mà không giữ lời! Con ghét bố!”…
* Lời bàn: Phần lớn, niềm tin vào các giá trị sống của trẻ là do những lời hứa đem lại. Với cảm tính nhạy bén, trẻ có thể nhớ rất đúng và rất lâu lời hứa của cha mẹ hay người lớn. Và, các bé sẽ thất vọng thật nhiều nếu như những người mà chúng xem như thần tượng chỉ toàn hứa hão. Với tâm lý muốn được “yên thân” khi bị trẻ vòi vĩnh, nhiều ông bố, bà mẹ thường đưa ra những lời hứa đại, hứa suông cho xong chuyện. Nó được xem như “hành vi hối lộ” để trẻ chấm dứt hành vi tiêu cực. Điều này là rất nghiêm trọng vì có thể, chính bạn đang khuyến khích trẻ làm điều không tốt. Khi bạn không giữ lời hứa, trẻ sẽ mất lòng tin nơi người lớn, không xem cha mẹ là chỗ dựa vững chắc. Nguyên tắc chung cho việc này là bạn chỉ nên hứa những gì mình có thể làm được. Khi đã đưa ra lời hứa với trẻ, bắt buộc bạn phải thực hiện. Nếu lỡ quên, bạn phải xin lỗi con trẻ với lý do chính đáng và bày tỏ sự quan tâm bằng những hành động cụ thể khác.
Dường như yêu em nhiều hơn…
– Thảo Nguyên (6 tuổi): Tối nào, em Bin nhà cháu cũng được ngủ cùng bố mẹ, nhưng cháu đòi ngủ cùng thì bố lại mắng. Em cũng có rất nhiều áo quần và đồ chơi mà cháu không có. Hai chị em cùng chơi bán hàng, Bin giành hết đồ chơi của cháu nhưng mẹ cũng không nói gì. Cháu thấy, bố mẹ yêu thương em hơn, cái gì cũng dành cho Bin, em không thích mới đến lượt cháu… Sao lúc nào mẹ cũng yêu em hơn cháu vậy, hả cô? Sao em hư mà mẹ không đánh em? Cháu hư lại bị mẹ đánh? Cháu “ghét” em lắm…
– Quang Anh (4 tuổi): Mẹ nói với cháu: “Con là anh nên phải nhường em, không được giành đồ chơi với em nghe không! Con không biết xấu hổ khi ghen tị với em à? Con mà tị nạnh với em là hư hỏng, không ai thèm chơi với con nữa!”. Cái gì ba mẹ cũng bảo nhường cho em, cháu không có gì hết. Sao người lớn lại không công bằng? Không có em vẫn thích hơn, một mình cháu được bao nhiêu đồ chơi. Giờ thì nó giành hết rồi. Còn mẹ, lúc nào cũng bênh nó…
* Lời bàn: Cảm xúc ghen tị thể hiện sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ. Điều này sẽ được cải thiện dần khi trẻ lớn lên. Không nên vì sự tranh cãi mà bạn tách trẻ ra và không cho chúng chơi cùng nhau. Vì chưa thể nhận biết thấu đáo, nên khi bị mắng mỏ, chê trách, các bé thường dồn nén những ấm ức vào lòng, bao nhiêu cảm xúc tiêu cực đều hướng vào em nhỏ. Nếu bạn khiến cho trẻ cảm thấy tội lỗi vì ghen tị với em bé, chúng sẽ che giấu cảm xúc thật của bản thân và sống khép mình hơn. Cha mẹ cần đối xử công bằng và hợp lý với các con. Tuy nhiên, vì độ tuổi khác nhau nên nhu cầu của trẻ cũng không giống nhau. Do vậy, công bằng không có nghĩa là như nhau. Sự công bằng theo kiểu “cá mè một lứa” cho thấy, những quan tâm của bạn không xuất phát từ sở thích, nguyện vọng và đời sống tâm lý của con. Bạn cần phải khéo léo giúp trẻ nhận ra rằng, luôn có sự khác biệt giữa mỗi cá nhân trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Từ đó, trẻ cũng sẽ nhận được sự đối xử khác nhau từ mọi người.