Còn chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: “Những bé thường xuyên bị đánh đập sẽ dễ mắc các chứng bệnh về rối loạn tâm lý sau này. Nhiều bé thích đánh, cấu véo, bắt nạn bạn chơi do bắt chước hành vi này từ bố mẹ.
Vung roi dạy con
Không biết có phải do sinh đúng mồng 1 hay không mà cu Biên nhà chị Tuyết rất nghịch ngợm. Cu cậu thường xuyên “đào lỗ cóc, móc lỗ nhái” khiến nhà lúc nào cũng bừa bộn. Chị vừa dọn ngơi tay là cu cậu lại bày ra.
Nói con không nghe, chị tức mình áp dụng biện pháp mạnh, đó là roi vọt. Thời gian đầu, chị còn nhẹ tay, về sau, chị thẳng tay vụt. Có lúc, chị đánh mạnh tới mức mông cu Biên rơm rớm máu.
Chị Tuyết chia sẻ: “Đánh con tôi cũng xót lắm nhưng cháu bướng ghê gớm. Nói ngọt không xong tôi phải dùng biện pháp mạnh. Trẻ con bây giờ hư lắm, phải dùng roi mới ổn”.
Nhưng chị Tuyết không biết rằng mình đã “nghiện” bệnh đánh con. Trước đây, cu Biên mắc lỗi nặng chị mới đánh đòn. Nhưng càng về sau, chỉ cần mắc lỗi nhỏ là cu cậu đã bị ăn đòn. Nhiều lúc bị chồng nhắc nhở nhưng chị Tuyết vẫn gạt đi.
Cùng chung quan điểm với chị Tuyết, chi Hòa dựng sẵn một chiếc gậy tre ở góc nhà. Là con gái nhưng bé Nguyệt thường xuyên bị mẹ cho ăn roi. Chị Hòa khẳng định dù là con gái hay con trai, chị cũng phải dạy dỗ thật nghiêm khắc.
Vì thế mới có chuyện bé đi học quá giờ chưa về, hay chỉ làm vỡ cái cốc,… là dễ dàng bị ăn đòn. Chị Hòa thẳng tay nên quất thật mạnh vào mông con gái. Thậm chí, có lúc quá giận dữ, chị còn đánh vào bất cứ chỗ nào có thể đánh được.
Tác dụng ngược
Cu Biên vốn có bản tính ngỗ ngược nên rất khó dạy nên chị Tuyết dùng roi vọt để dạy con. Tuy nhiên, dường như chị đã quá đà. Cu Biên không những không ngoan mà càng ngày càng bướng bỉnh, lầm lì, hung dữ.
Mỗi khi chị Tuyết chuẩn bị đánh con, y như rằng cu Biên tự động nằm úp, lấy roi đưa cho mẹ. Cu Biên nhìn mẹ bằng hai ánh mặt dữ dội, lầm lì. Thời gian đầu bị đánh, cu cậu còn khóc lóc nhưng rồi nước mắt cạn dần trong lòng cậu bé con. Mẹ đánh dù đau đến đâu cu Biên cũng chỉ cắn chặt môi và không nhúc nhích. Cu cậu gồng mình có lúc chảy cả máu môi.
Không chỉ lì đòn, cu Biên còn ngang bướng, bất cần đời, làm trái lời bố mẹ dạy. Đòn roi với cậu bé giờ trở nên vô nghĩa.
Bé Nguyệt cũng cạn dần tình cảm với bố mẹ. Cô bé lầm lì, ngỗ ngược, hay quậy phá trường lớp, lối xóm. Bé thường xuyên đánh bạn, lấy trộm đồ của bạn. Bị cô giáo và bạn bè tẩy chay, Nguyệt dần sống hoang dại như cây cỏ ngoài đồng.
Chị Hòa đau khổ chia sẻ kinh nghiệm từ chính trường hợp của mình: “Tôi nhận ra, với con cái, bố mẹ cần chia sẻ động viên hơn là hơi một tí thì dọa đánh”.
Luật sư Hồ Đình Phương (Công ty luật Đại Ân) cho biết: “Nhiều cha mẹ sử dụng đòn roi như một biện pháp mạnh để đối phó với bé cứng đầu và nghĩ rằng việc đánh con vào tay chân hay mông sẽ không gây hại gì. Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật, việc này có thể được xếp vào một trong những hành vi ngược đã trẻ em“.
Còn chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: “Những bé thường xuyên bị đánh đập sẽ dễ mắc các chứng bệnh về rối loạn tâm lý sau này. Nhiều bé thích đánh, cấu véo, bắt nạn bạn chơi do bắt chước hành vi này từ bố mẹ.
Hơn nữa, những bé bị đối xử thô bạo lúc còn nhỏ thường trở nên ngỗ ngược, cứng đầu hơn khi trưởng thành. Các nhà giáo dục coi đó là hội chứng “chai sạn cảm xúc”, bé không thấy sợ hãi, đau khổ, phải khóc lóc vì đã quá quen với đòn roi.
Ngược lại, một số bé có xu hướng sống khép mình, tỏ ra sợ sệt khi bị ăn đòn. Lâu dần, bé sẽ bị ức chế tâm lý, ngại giao tiếp và tỏ ra khó gần”.
Tốt nhất, cha mẹ nên thống nhất giới hạn cho mình khi muốn giáo dục bé và nói “không” với đòn roi. Vì những lúc nóng giận, bạn có thể không kiểm soát được hành động của mình; bạn chỉ nghĩ rằng, đánh con sẽ khiến bé nghe lời và không mắc lỗi nữa nhưng hậu quả để lại thường đau hơn những lần vung roi của bạn rất nhiều.