Trong việc chi tiêu, cha mẹ phải dạy con nguyên tắc: “Chỉ được tiêu xài khi đã sở hữu tiền bạc và để dành trước, tiêu xài sau một cách có kế hoạch”. Làm cha mẹ ai cũng muốn con cái xử lý linh hoạt trong mọi tình huống. Nhưng với những trẻ chủ động biết “cắm nợ” quán hay vay mượn bạn bè để có thứ mình muốn, làm nảy sinh hậu quả khó lường thì không ít bậc cha mẹ rất lúng túng.
Chưa nói nhiều bậc cha mẹ đã không thể ngờ đứa con ngoan của mình lại nợ nần.
Thế chấp nón đổi kẹo
Trao đổi với mấy chị em đồng nghiệp, anh Quốc Phong (kỹ sư xây dựng ở Hà Đông, Hà Nội) phàn nàn: “Con gái tôi năm nay 9 tuổi, đang học ở một trường tiểu học gần nhà. Mới đây khi tôi vừa dừng xe trước cổng trường chuẩn bị đón con, chị bán hàng tạp hóa đối diện níu lấy đòi nợ: “Con gái anh nợ tôi tiền mua bánh kẹo và đồ chơi… Bé bảo chờ bố đến trả hộ”. Thấy tôi nghi ngờ, chị đưa chiếc nón vải hỏi: “Đây có phải nón của con gái anh không, nó cắm nợ cho tôi đấy”. Nghe xong câu chuyện, tôi không khỏi bàng hoàng và thật sự tá hỏa trước những hành động quá mức của con gái. Tôi bức xúc hỏi: “Thế mấy lần trước cháu nợ quán thì ai trả cho chị?”. Chị chủ quán xởi lởi: “Có khi con bé trả. Một vài lần mẹ cháu trả”. Từ giận con, anh Quốc Phong chuyển sang trách vợ: Không khéo cách giáo dục thiếu nhất quán của hai vợ chồng sẽ khiến con bé hư nhanh hơn”.
Rơi vào tình huống khó xử tương tự anh Quốc Phong là vợ chồng chị Vân Anh (nhân viên ngân hàng ở Long Thành, Đồng Nai). Con trai chị Vân Anh mới hơn 10 tuổi mà tỏ ra sành sỏi trong việc chi tiêu. Do cưng chiều thằng bé nên chị Vân Anh rất khổ sở khi phát hiện con là “con nợ” của nhiều bạn trong lớp. Lâu nay chị Vân Anh đã phân vân tại sao dạo này ít cho con tiền tiêu vặt mà con vẫn có rất nhiều đồ chơi. Có lần cháu còn khoe là tiết kiệm được khá nhiều tiền trong ống heo. Trò chuyện với con, chị Vân Anh càng bực tức khi con giải thích: “Con mượn các bạn rồi con sẽ trả. Còn những thứ đồ chơi không thích nữa thì con đem đổi cho các bạn. Đúng là đôi bên cùng có lợi”. Chị chỉ ấm ức với suy nghĩ: “Không lẽ mình lại bó tay không giáo dục được con”.
Không được nôn nóng
Anh Quốc Phong quyết sử dụng biện pháp răn đe con gái và kiên quyết không trả nợ cho con bất cứ lần nào nữa. Trao đổi thêm với chuyên gia tâm lý, chị Vân Anh thổ lộ: “Tôi muốn dạy con có những điều cần trong cuộc sống thì nên đáp ứng, nhưng không phải cái gì mình muốn cũng có. Song chúng tôi thật sự gặp khó khăn để giúp con hiểu điều đó”. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia, chị Vân Anh cơ bản đã tìm ra được hướng giải quyết. Trước hết, gia đình chị Vân Anh cũng như anh Quốc Phong phải cố gắng cương quyết, mạnh mẽ hơn trong cách giáo dục con.
Đồng thời phải nghiêm khắc nói cho bé hiểu chỉ trả nợ cho bé thêm một lần này thôi, không để con tự ý đổi chác những thứ ba mẹ mua cho. Chúng không chỉ đơn thuần là những đồ chơi hay vật dụng, mà con cần cảm nhận được những tình cảm mà cha mẹ dành cho con, không tự ý đổi chác lung tung. Nói rõ mục đích giáo dục con của mình cho người bán hàng biết để người đó không cho trẻ “cắm nợ”. Thể hiện thái độ nếu có lần sau, dứt khoát cha mẹ không trả nợ thay con và sẽ xử phạt con.
Phụ huynh cũng cần trao đổi thêm với giáo viên ở trường để phối hợp và thống nhất biện pháp giáo dục trẻ. Nhờ cô giáo phát hiện xem trong lớp có ai mắc những hành vi tương tự. Đề nghị cô nhắc nhở, phê bình trước lớp để các con còn rút kinh nghiệm. Trong việc chi tiêu, cha mẹ phải dạy con nguyên tắc: “Chỉ được tiêu xài khi đã sở hữu tiền bạc và để dành trước, tiêu xài sau một cách có kế hoạch”.
Dù gặp trở ngại và những biểu hiện chống đối từ phía con trẻ thì cha mẹ cần cố gắng bình tĩnh, giáo huấn trẻ bằng lời lẽ nhẹ nhàng, cụ thể tác động đến nhận thức và lòng tự trọng của con. Để khắc phục thói xấu của trẻ, các bậc cha mẹ không được nôn nóng, cần kiên trì, chịu khó dạy bảo theo kiểu mưa dầm thấm lâu.