Mỗi lần nghe bạn bè kể về gia đình, được bố mẹ quan tâm như thế nào, Mai Thy (Hải Phòng) lại tìm cách “lỉnh” đi chỗ khác. Bởi nếu ngồi lâu, cô sẽ không thể nào kìm được nước mắt. Được bố mẹ yêu thương, quan tâm, chăm sóc là điều mà teen nào cũng mong muốn nhưng trong xã hội hiện đại có một nghịch lý: Nhiều teen “phát hoảng” khi bố mẹ quá “yêu thương” mình.
Lủi thủi trốn bố mẹ
Mỗi lần nghe bạn bè kể về gia đình, được bố mẹ quan tâm như thế nào, Mai Thy (Hải Phòng) lại tìm cách “lỉnh” đi chỗ khác. Bởi nếu ngồi lâu, cô sẽ không thể nào kìm được nước mắt. Bố mẹ Thy đều là cán bộ công chức, thu nhập không cao trong khi phải lo cho 3 đứa con ăn học nên họ luôn cảm thấy cuộc sống đầy áp lực. Ra khỏi nhà thì thôi, cứ có mặt ở nhà mà làm gì trái ý bố mẹ là y như rằng “chiến tranh” xảy ra. Nhẹ thì “phi” thước kẻ, nặng thì vớ gì “phang” đó. Mỗi khi “ra đòn” xong, bố mẹ Thy lại xin lỗi và nói rằng “có yêu thương con mới cho roi cho vọt” như thế.
Thy luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Không bao giờ dám phản ứng hoặc dám nói lên ý mình vì sợ sẽ gây ra không khí căng thẳng trong nhà. Hai đứa em của Thy còn tội hơn, sống trong ngôi nhà có đầy đủ mẹ cha mà lúc nào chúng cũng lủi thủi như thể “người lạ”.
Thậm chí có lần, bạn mẹ đến nhà chơi, cho thanh chocolate rất ngon, mẹ đã lừ mắt ra hiệu “sắp đến giờ cơm, không được ăn!” nhưng vì thèm quá, Bảo Anh vẫn bóc kẹo ngồi ăn ngon lành. Đến khi khách về, mẹ “lao” vào đánh cậu, vì tránh không kịp cậu ngã dúi dụi trên bàn, cánh tay bị vết xước dài của kính, đến giờ vẫn còn sẹo. Thế vẫn chưa hả giận, mấy ngày sau, mẹ vẫn luôn miệng đay nghiến: “Bé đã có thói không vâng lời. Lại còn dám trêu ngươi mẹ, lớn sao có thể thành người?”
Quản chặt
Không dùng đòn roi nhưng ba má Minh Quân lại có những “chiêu” rất… ác. Vì không muốn con giao du với bạn bè để có thời gian chuyên tâm học hành, họ thường xuyên nói dối, rõ ràng Quân ở nhà nhưng bất cứ cuộc điện thoại nào gọi đến tìm, họ đều trả lời là “Quân đi vắng!”, “Quân đi nhậu (?)”, “Quân đi du lịch”… Bạn bè cứ nghĩ cậu sướng vì suốt ngày được “thả” nhưng thực tế Quân lúc nào cũng có cảm giác mình sống trong doanh trại với kỷ luật thép. Đi đâu, làm gì… Quân đều phải “giải trình” rõ với 2 “cảnh sát trưởng”, nếu họ duyệt cậu mới được phép làm.
Có lần cậu phản kháng bằng cách mặt lỳ ra, ngồi chat với bạn cả tiếng đồng hồ. Ba má nhìn nhau không nói gì, Quân chắc mẩm mình thắng “trận” này nhưng ngay ngày hôm sau, cậu đã thấy hậu quả, ba má kêu bưu điện vào cắt mạng internet để “thằng bé không mất thời gian vào những trò vô bổ”. Quá thất vọng vì bị kìm kẹp và vì ba má không tin mình, đã có lần Quân uống cả vốc thuốc ngủ, may mà cấp cứu kịp…
Cha mẹ nào cũng sẵn có mộttình yêu dành cho con nhưng đôi khi “yêu quá” lại khiến con cảm thấy ngột ngạt vì bị kìm kẹp. Trường hợp tìm đến cái chết của Quân là sự phản kháng để thoát khỏi sự quản lý của ba má. Những teen khác dù chưa đến mức nghĩ quẩn nhưng đến một lúc nào đó sẽ không “cam chịu” những gì cha mẹ sắp đặt. Vì thế, dù xã hội có hiện đại đến cỡ nào, cũng hãy luôn ở bên con, lắng nghe con tâm sự và chỉ cho con điều đúng sai – đó chính là cách quản lý con, yêu thương con hiệu quả nhất, lại không hề tốn kém…