Theo PGS.TS Hoà Bình, hiện nay, vấn đề đạo đức lương tâm xã hội đã thật sự báo động, đến lúc phải rung lên hồi chuông về giáo dục nhân cách con người. Triết lý phổ biến của thế giới là học để làm người. Gia đình và nhà trường đã quên mất vấn đề cốt lõi đó là giáo dục nhân cách cho con người. Nếu như không có sự định hướng từ phía gia đình, nhà trường và xã hội thì hậu quả thật khôn lường.
Thực tế hiện nay, xuất phát từ chỗ cha mẹ quá nuông chiều, tin con, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, cộng với ảnh hưởng từ các luồng thông tin xấu trên phim, ảnh game online khiến cho đạo đức giới trẻ hiện đang xuống cấp tới mức báo động…
Nỗi kinh hoàng của các bậc sinh thành
Nguyễn Lương M, nữ sinh sinh viên năm thứ 2 của Đại học Bách Khoa (ĐHBK) TP.HCM, là con của một gia đình có tri thức. Bố M là cử nhân luật tốt nghiệp ở Liên Xô cũ, mẹ là giáo viên cấp một. Được sự giáo dục kèm cặp chặt chẽ của cha mẹ nên 12 năm học, M đều là học sinh giỏi xuất sắc, đã từ lâu, em là niềm tự hào của cha mẹ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, M đã tốt nghiệp trung học và dự thi Đại học Bách Khoa TP.HCM. Hôm nhận kết quả thi, gia đình M như vỡ oà với kết quả 28/30 điểm. Để động viên, khích lệ cô con gái, cha mẹ M luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để cô con gái cưng có thể bằng bạn bằng bè. Tiền học phí, trang thiết bị học tập, máy tính xách tay…bố mẹ M vẫn sẵn sàng móc ví để lo cho sự nghiệp học hành của M.
Năm đầu tiên của đại học đã trôi qua, bước sang năm thứ 2, ở cái tuổi đã biết nhận thức được cái đúng, sai của cuộc sống, cộng với cha, mẹ của M rất tâm lý, luôn tôn trọng ý kiến, quan điểm hoài bão của M. Tối nào cũng thấy M cặm cụi, miệt mài trên máy tính. Nghĩ là con mình tìm kiếm thông tin, kiến thức trên mạng, nên cha mẹ cô rất yên tâm.
Những lần M xin tiền để mua sách dù tốn khá nhiều tiền, bố mẹ cô vẫn cố gắng chu cấp, bởi kiến thức cũng nằm trong sách vở. Rồi cường độ xin tiền của M mỗi ngày một tăng, nhiều lúc M làm chị L (mẹ M) mình phải suy nghĩ trăn trở, nhưng với bản tính rất nho nhã của một giáo viên, mẹ M vẫn kiên trì, thuyết phục: “Thôi con cứ đọc hết những cuốn mà con mua trước đi đã, chứ cứ mua tấp đấy không đọc hết, lãng phí lắm con ạ. Nhà mình cũng không dư giả cho lắm con cố gắng hạn chế, những sách nào cần thiết thì hãy mua”.
Tưởng sau lời nói nhẹ nhàng của mẹ, M sẽ ít nhiều suy nghĩ, cân nhắc về khoản tiền mua những cuốn sách phục vụ cho việc học hành, nghiên cứu. Trái lại M thản nhiên nói với mẹ: “Mẹ mà không cho tiền, con sẽ cặp với ông 60 để có tiền tiêu thoải mái”. Chị L như chết lặng trước câu trả lời như nhát dao cứa vào lòng. Hơn nữa, khi nói ra câu nói động trời này, thái độ của M vẫn bình thản đến lạ lùng….
Tâm sự với chúng tôi, ánh mắt chị L nhòa đi, những giọt nước mắt lã chã chảy trên khuôn mặt gầy gò, chị nói: “Xấu hổ lắm em ạ, nhưng không biết làm sao, có ai muốn vạch áo cho người xem lưng đâu. Mình nuôi dạy con cái cẩn thận nào ngờ bây giờ nó báo đáp lại mình như thế”. Nói đến đây giọng chị nghẹn lại, khuôn mặt chị rầu rĩ. Tôi có cảm giác, có vật gì đó cứ thiết chặt lấy cổ họng tôi. Tôi thoáng nghĩ chắc chị đang đau khổ tột cùng. Quả là, thật khó hình dung được, những lời lẽ trên lại từ miệng của M, một cô gái xinh đẹp và ngoan ngoãn. Đã đến lúc mẹ của M không thể chịu nổi, nhìn chị già hơn tuổi rất nhiều vì nỗi lo quá lớn của mình.
Lỗi do gia đình quá yêu chiều con trẻ
Trao đổi với PV, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cho rằng: “Hiện nay, thế giới trở nên “phẳng” hơn, những luồng văn hóa ngoại xâm nhập một cách dễ dàng và không thể kiểm soát được, như những trò game online, video clip nước ngoài. Mặt khác, do thiếu sự giáo dục của gia đình, có khi cùng sống trong một gia đình nhưng không ai quan tâm đến ai. Hơn nữa, vấn đề ở chỗ, nhiều bậc phụ huynh quá yêu chiều con cái dẫn đến giới trẻ nghĩ rằng mình là trung tâm của gia đình, muốn gì được nấy, luôn được thỏa mãn. Gia đình thì như vậy trong khi đó thế giới bên ngoài thì mở cửa cho nên chúng đã chọn cho mình những kịch bản để thể hiện. Đến khi cha mẹ ngừng đáp ứng yêu cầu là chúng hăm dọa bằng cách cắt cổ tay, dọa tự tử, cặp bồ vì giới trẻ coi cặp với ông 60 tuổi đó là mốt thời thượng, thích khác người”.
Cũng theo PGS.TS Hoà Bình, hiện nay, vấn đề đạo đức lương tâm xã hội đã thật sự báo động, đến lúc phải rung lên hồi chuông về giáo dục nhân cách con người. Triết lý phổ biến của thế giới là học để làm người. Gia đình và nhà trường đã quên mất vấn đề cốt lõi đó là giáo dục nhân cách cho con người. Nếu như không có sự định hướng từ phía gia đình, nhà trường và xã hội thì hậu quả thật khôn lường.