Khi cô con gái còn bé, ông bố luôn gần bên đưa đi chơi, tới công viên, triển lãm… và vui đùa với con. Giờ đây, khi con gái sắp qua tuổi vị thành niên và biến thành cô gái xinh đẹp, ông bố hoàn toàn không biết xử sự ra sao và nói chuyện gì.
Những tình huống khó xử
Một ông bố muốn âu yếm cô con gái 15 tuổi, tiến lại gần sau lưng con. Ông ôm vai và nói nhẹ nhàng vào tai con. Cô bé cong cớn, quát tháo bố. Kết quả, cả hai đều không bằng lòng. Ông bố giận dỗi vì chẳng qua chỉ muốn âu yếm con gái, còn bà mẹ thì coi đó là hành động… không thích hợp.
Đây chỉ là một tình huống nhỏ trong cuộc sống hàng ngày xảy ra giữa người bố và cô con gái ở tuổi vị thành niên. Có ông bố phàn nàn, cô con gái út thường vẫn cho ông ôm ấp, cưng nựng. Có chuyện gì ở nhà, ở trường con bé cũng tâm sự với bố. Bố và con như hai người “bạn” thân. Nhưng khi 13 tuổi, cô bé thường lẩn tránh những hành động ấy của bố và không còn gần gũi kể mọi chuyện với bố như hồi dưới 10 tuổi. Sự thay đổi khiến ông rất buồn phiền.
Việc xây dựng tình bạn của những ông bố với con gái ruột đang trưởng thành đã là khó khăn, nhưng đối với các ông bố dượng thì còn khó khăn gấp bội lần. Có những ông bố dượng trong cuộc hôn nhân tập hai, rất yêu quý con gái riêng của vợ và chiều chẳng khác con đẻ. Lúc còn bé, tình cảm của ông với con mình khiến bà mẹ rất vui và hạnh phúc. Đến khi đứa trẻ bước vào tuổi “ngựa chứng”, tự dưng thay đổi tính nết và phản ứng với cha dượng, thì mọi sự quan tâm của ông bố dượng với cô bé chỉ làm cho mẹ nó thêm nghi ngờ, thậm chí “cảnh giác”.
Sở dĩ như vậy, bởi khi cô con gái còn bé, ông bố luôn gần bên đưa đi chơi, tới công viên, triển lãm… và vui đùa với con. Giờ đây, khi con gái sắp qua tuổi vị thành niên và biến thành cô gái xinh đẹp, ông bố hoàn toàn không biết xử sự ra sao và nói chuyện gì. Nói tóm lại, không khí trong gia đình rất căng thẳng và điều đó chẳng hề làm các nhà tâm lý học ngạc nhiên.
Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên?
Có mấy nguyên nhân sau giải thích tại sao ông bố khó thiết lập quan hệ tốt lành với con gái đang lớn.
Thứ nhất, không biết cách giao tiếp, chơi với con: Trong gia đình, người vợ đóng vai trò chính chăm sóc con cái, họa hoằn mới để chồng trông nom, ông bố có rất ít cơ hội để thực sự hiểu thấu đáo vai trò làm cha của mình. Dần dần, kinh nghiệm của người cha ngày càng thua kém so với người mẹ. Người đàn ông bắt đầu cảm thấy thiếu tự tin với con cái, nên thường nản tránh, không can thiệp vào các vấn đề giáo dục con, nhất là khi có vợ hay mẹ vợ bên cạnh.
Đàn ông nói chung hiếm khi thể hiện, biểu lộ tình yêu và sự quan tâm trước mặt người khác. Các nghiên cứu tâm lý học cho biết, ông bố đi dạo cùng con thường chỉ vội vàng chạy tới giúp đứa trẻ trong trường hợp nó gặp khó khăn, trò chuyện, tham gia chơi đùa với con khi xung quanh không có ai, nhất là vợ. Các bà mẹ thì hoàn toàn ngược lại, thường thể hiện sự quan tâm tới đứa trẻ nhiều hơn khi xung quanh có “khán giả”. Kết luận rất đơn giản, để đàn ông trở thành ông bố tốt, cần để họ một mình với con cái thường xuyên hơn.
Thứ hai, các em gái bắt đầu xa lánh bố khi bước vào lứa tuổi vị thành niên: Bước vào lứa tuổi vị thành niên, khoảng 11-12 tuổi, bọn con trai và con gái gần như lánh xa nhau hết mức. Đây là quá trình tự nhiên và cần thiết. Sự lánh xa giới khác và kết thân với các bạn cùng giới là cần thiết để các cô bé tự khẳng định vai trò phụ nữ của mình, quen dần với các cung cách ứng xử nữ tính cơ bản. Trong thời gian này, các cô bé không chỉ xa lánh bạn trai cùng lứa mà tất cả đại diện của phái mạnh, kể cả bố, đều bị coi là “những kẻ xa lạ, không thuộc giới của mình”.
Các cô bé thường tỏ ra không tự nhiên, xấu hổ trong các quan hệ với bố. Đây là thời gian cần phải chờ đợi cho trôi qua một cách tự nhiên.
Thứ ba, các em gái vị thành niên thường làm các ông bố khó chịu, bực tức: Ông bố thường không quan tâm tới các “vụ làm sáng tỏ quan hệ” của con gái và bạn bè, khó chịu với sự õng ẹo và cách trang điểm còn thô thiển của cô con gái vị thành niên. Ở lứa tuổi này, các cô bé vẻ ngoài trông gần như người trưởng thành và điều này làm cha mẹ dễ nhầm lẫn. Họ đòi hỏi bọn trẻ vị thành niên những điều không phù hợp với lứa tuổi. Ông bố thường quên rằng, con gái của mình chưa hề có nhân sinh quan riêng, cũng như kinh nghiệm của người trưởng thành. Trẻ vị thành niên thường giấu sự thiếu tự tin của mình đằng sau sự lóng ngóng và trang điểm vụng về. Con gái sẽ lớn và thay đổi, đấy là điều ông bố cần hiểu.
Các ông bố phải làm gì?
Vài năm trôi qua, “con vịt xấu xí” biến thành “con thiên nga xinh đẹp”. Giờ đây, với ông bố, cô bé đang lớn không chỉ là con mình mà con là một thiếu nữ. Ông bố không chỉ là người cha, mà là người đàn ông. Qua giao tiếp với bố, cô bé học cách hiểu và tìm được tiếng nói chung người khác giới. Cô bé có thể “thực nghiệm” với các cử chỉ, phong cách, áo quần, trang điểm của mình nhờ định hướng qua phản ứng của bố.
Các nhận xét, chỉ trích của người mẹ không tác dụng lên cô con gái mạnh như sự phê phán, lời khuyên của ông bố. Do ý kiến của bố là ý kiến của người đàn ông, tương tự như của người bạn đời tương lai. Hơn nữa, ngay cả khi phê phán và chỉ trích, ông bố vẫn yêu, thương con gái. Khi các bạn gái có bạn trai, mà cô con gái chưa có thì chính tình yêu của người cha, sự tin tưởng của người cha vào sự hấp dẫn, quyến rũ của con sẽ giúp cô bé vượt qua những giờ phút khó khăn.
Xây dựng tình bạn với ông bố là việc rất cần thiết cho cô con gái đang lớn. Các bà mẹ, nếu là người nhìn xa trông rộng, sẽ biết làm gì để đặt nền móng cho tình bạn đó.