Theo Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh thì việc bé thích đọc sách trên mạng hay thưởng thức một cuốn sách cầm tay không có gì là xấu, miễn rằng cha mẹ có thể kiểm soát được những thông tin mà con mình đang “dung nạp”.
Rất nhiều băn khoăn: Làm sao để lựa chọn sách, đọc sách của nhà xuất bản nào, sách nào phù hợp với từng độ tuổi của trẻ… được các phụ huynh đặt ra trong hội thảo “Sách – phương tiện giao tiếp tinh tế giữa bố mẹ và con” được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Một bà mẹ có con gái đang học lớp 9, Trường trung học cơ sở Nguyễn Du chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã tập cho con làm quen với sách. Ngày đó dẫn cháu đi mua quần áo thì cháu lại đòi mua sách. Bây giờ thì ngược lại. Thay cho việc cầm cuốn sách trên tay thì cháu đọc sách trên mạng. Tôi đã thử nghiệm, đặt sách cạnh máy tính của con và quan sát biết cháu vẫn thích đọc sách nhưng tôi băn khoăn tại sao cháu lại thích đọc trên mạng hơn?”.
Giải thích cho điều này, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng bà mẹ này đã rất thành công trong việc giúp con thích sách. Tuy nhiên đọc sách trên mạng không có gì xấu, có điều cha mẹ phải luôn theo sát con, kiểm định các thông tin mà con đọc trên Internet, tránh để con tiếp nhận luồng văn hóa xấu.
Giống như trên, một bà mẹ cũng đã thành công giúp con bỏ sở thích xem phim hoạt hình trước khi ngủ bằng việc đọc sách. Tuy vậy cậu con trai 4 tuổi của bà chỉ thích đọc đi, đọc lại một vài quyển sách. Bà rất khó khăn trong việc giới thiệu sách mới cho con.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng thói quen này cũng không có gì là xấu. Sự vận động, phát triển của trẻ phải kết hợp hài hòa giữa học tập, vui chơi, giải trí. Giải trí sẽ giúp việc đọc sách tốt hơn, đọc sách nhiều sẽ giúp học tốt hơn.
“Với mỗi đứa trẻ không quan trọng là bố mẹ bắt đọc bao nhiêu sách mà các con tiếp nhận được gì từ quyển sách đó. Vậy nên việc đọc đi đọc lại những quyển sách chứng tỏ cháu rất thích chúng. Là những bậc làm cha mẹ, chúng ta phải tìm được những quyển sách hay cho con”, tiến sĩ giáo dục học nói.
Tiến sĩ Anh cho biết sách không chỉ là kiến thức mà còn chia sẻ cảm xúc, giúp bố mẹ nuôi dạy con tốt hơn. Bà Anh cũng chia sẻ những kinh nghiệm để bố mẹ giúp con cái có niềm đam mê đọc sách.
“Có thể các bạn không tin nhưng ngay từ khi con 3 tháng tuổi, tôi đã đọc sách cho cháu nghe. Chính chất giọng trầm bổng của mẹ và câu chuyện trong cuốn sách khiến con tôi bị thu hút. Khi dừng lại, cháu đập chân tay đòi mẹ đọc tiếp. Vậy nên trong sự phát triển của một đứa trẻ, sách càng xuất hiện sớm càng tốt. Chúng ta sẽ không còn phải lo trẻ không thích sách nữa”, chuyên gia này chia sẻ.
Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên mua các loại sách thân thiện làm từ chất liệu vải, sách có bìa dày để bé vô tư sờ, nhìn, ngắm. Các bố mẹ cũng không phải lo con xé sách. Đây rất có thể là một cách tiếp nhận đặc biệt của trẻ, khi nhận thức được các cháu sẽ khác.
Một câu hỏi cũng được khá nhiều bố mẹ quan tâm là làm sao để đọc sách cùng con khi họ không có thời gian. Tiến sĩ Anh khuyên rằng không nhất thiết phải đọc cùng con cả quyển sách dày, mà bố mẹ chỉ cần dành vài phút mỗi ngày để giao tiếp cùng con về quyển sách, ví như tập trung vào một chi tiếp trong sách để biết khả năng của con.
Dạy con đọc sách bằng phương pháp hình tượng, đọc theo các từ khóa. Khi đặt câu hỏi cho con nên có những câu khơi gợi để giúp trẻ tư duy, tăng khả năng sáng tạo.
“Chúng ta vẫn cứ luôn băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để con thích sách. Trước khi làm con thích, hãy để con có niềm vui từ sách”, bà Anh nói.
Bà Anh khuyên mỗi gia đình nên xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ bằng cách lập tủ sách, để bé tự quản lý tủ sách của mình, làm cho cháu một con dấu đóng vào sách. Như vậy, trẻ sẽ thấy vui, tự hào khi được chia sẻ sách của mình với mọi người.
“Có một bạn đọc rất nhiều sách về dạy con sớm, cho rằng từ 3 đến 6 tuổi thì trẻ tiếp nhận tốt nhất, nên dạy con vào thời điểm này. Nếu để qua độ tuổi này thì việc dạy trẻ đã muộn rồi. Tôi kể câu chuyện này chỉ muốn để bố mẹ thấy rằng không lúc nào là muộn để dạy con đọc sách”, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh nói.