“Cá không ăn muối cá ươn”. Đúng quá! Nhưng “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” thì lại chỉ đúng một nửa thôi, vì ai dám chắc rằng một quốc gia, ông vua luôn là chuẩn mực đúng đắn, cũng như một gia đình cha mẹ luôn là chuẩn mực đúng đắn? Để con học “cãi”, dạy “cãi”, biến “cãi” thành thói quen rồi nâng thành “tư duy sáng tạo” là cả một quá trình rèn luyện, học hỏi, thể nghiệm, bứt phá.
– Thằng ấy hư lắm, cái gì cũng cãi!
– Con ấy láo lắm, chỉ biết nói ngược, nghĩ ngược!
– Ối giời, con ơi là con ơi, sao mày không biết nghe lời tao?
Đó là những lời ở làng xã, phố phường, gia đình mà người lớn hay nói về những đứa trẻ bị liệt vào loại “hư”, tức là không biết răm rắp vâng lời cha mẹ, không biết răm rắp nghe theo sự sắp đặt, chỉ bảo của người lớn. Câu cửa miệng của các bậc phụ huynh dành cho những đứa trẻ này là:
Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư
Thực ra, trong cái việc gọi là “hư” vì ngược ngạo, ưa cãi, lắm mồm, bướng bỉnh kia, có nhiều cái là “hư” thứ… thiệt, nhưng cũng không ít cái, không ít trường hợp là “hư”:… giả tạo.
Phản biện là gì? Từ xưa các cụ nhà ta chẳng bao giờ dùng hai chữ này cả. Thậm chí khi thi cử, ý kiến nào ngược với ý vua, trái với cái gọi là thuần phong mỹ tục, trái với những tập tục, quan niệm truyền thống đều bị đánh rớt, thậm chí kẻ viết bài thi có thể bị trừng trị nghiêm khắc.
Cao Bá Quát là một ví dụ điển hình – ông là một sĩ phu, tình tình ngông nghênh, làm thơ ngông nghênh, đã từng bảo vệ cho sĩ tử có ý ngông như mình mà bị đày ải, tù tội. Trong các bài giảng nho giáo có chữ “dũng”, nhưng “dũng” ấy lại không bao giờ được hiểu là sự phản biện cả vì trên chữ “dũng” của nho giáo kia luôn có sập vàng “trung quân ái quốc” đè lên. Từ đầu thế kỷ 20, cụ Phan Châu Trinh sau khi từ Pháp về có những diễn thuyết ở Sài Gòn rất “táo tợn”, rất uyên thâm lý giải vì sao người có học ở Việt Nam không còn là trí thức, không còn là sĩ phu nữa, vì chính cái gọi là tinh thần “trung quân ái quốc” này. Cụ Phan Châu Trinh bảo: “Một khi người có học coi điều gì vua nói, đấng bề trên nói là chuẩn mực, là thánh chỉ rồi thì còn đâu cho trí động não, suy nghĩ sáng tạo khác nữa?”. Nói tóm lại, từ đầu thế kỷ 20 cụ Phan Châu Trinh đã khẳng định không có phản biện thì không thể có sáng tạo, mà không có sáng tạo thì xã hội chả khác gì cái ao… tù túng quanh năm, dẫn đến dơ bẩn, hôi tanh.
“Cá không ăn muối cá ươn”. Đúng quá! Nhưng “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” thì lại chỉ đúng một nửa thôi, vì ai dám chắc rằng một quốc gia, ông vua luôn là chuẩn mực đúng đắn, cũng như một gia đình cha mẹ luôn là chuẩn mực đúng đắn?
Có biết bao cha mẹ là tấm gương xấu về cái ác, về sự lười biếng, sự dối trá, lòng tham cho những đứa con. Với những lời giáo huấn của những bậc sinh thành như vậy buộc con cái phải nghe lời, noi theo, thuần phục ư? Câu trả lời ai cũng có thể dễ dàng nói được ngay: “Không thể. Vậy thì làm thế nào để những đứa trẻ trong những môi trường trên không trở nên hư hỏng như cha mẹ của chúng? Ai trang bị cho chúng vũ khí để tự bảo vệ trước cái xấu? Ai trang bị cho chúng sức mạnh của tư duy để biết phản biện lại cái xấu?
Rất nhiều nhà giáo dục thừa nhận rằng, đây là một lỗ hổng rất lớn trong chương trình giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay. Đấy là chuyện phân biệt đúng, sai, bảo vệ mình trước cái xấu, còn vấn đề không kém phần quan trọng là nền giáo dục của ta trong xã hội, gia đình, nhà trường cũng thiếu vắng sự trang bị thói quen phản biện, khả năng phản biện, trí thức phản biện, văn hóa phản biện trước những gì mà đứa trẻ thấy không giống như chúng nghĩ, không giống như chúng mơ ước, để có một cách nghĩ khác, cách làm khác tốt hơn, hoàn thiện hơn, nhân văn hơi lối nghĩ, cách làm mà chúng được rao giảng, áp đặt đã trở nên lạc hậu, nhỏ bé.
Vậy là đã đến lúc từ trong ghế nhà trường, những đứa trẻ ngoài việc được trau dồi kiến thức, niềm khát vọng, ước mơ, tình yêu tổ quốc, rất và rất rất cần học… cãi nữa. Học “cãi”, dạy “cãi”, biến “cãi” thành thói quen rồi nâng thành “tư duy sáng tạo” là cả một quá trình rèn luyện, học hỏi, thể nghiệm, bứt phá. Nói một cách khác là cả một “khoa học cãi” được đẩy lên thành “nghệ thuật… cãi” tinh hoa.
Nhưng, trước khi “dạy cãi” và “học cãi” thì phải “dạy hỏi” và “học… hỏi” đã. Các bậc cha mẹ đừng bao giờ đe nạt con: Hỏi gì mà hỏi lắm thế? Mày thì cái gì cũng cãi! Tại sao mày cứ thích nghĩ ngược lại vậy?… bởi những điều đe nạt ấy chính là hành động làm thui chột trí tuệ, sự phát triển của đứa trẻ. Một quốc gia sẽ trở nên bé nhỏ, tầm thường, nếu được hình thành bởi thế hệ trẻ với sự “ngoan ngoãn”, “rập khuôn” cái gì cũng “dạ dạ vâng vâng” như thế!