Khóc là ‘ngôn ngữ’ chính của con trong thời gian đầu đời. Vì thế, cha mẹ hãy học để hiểu những gì con muốn ‘phát biểu’ nhé. Khi mới chào đời, con thường hay khóc khiến cha mẹ cảm thấy phiền toái, thậm chí là stress, kiệt sức vì lo lắng. Nhưng sự thật, tiếng khóc của con có căn nguyên rõ ràng, chỉ cần cha mẹ chịu khó lắng nghe để ‘giải mã’ thì chắc chắn sẽ hiểu con hơn.
Vì sao bé khóc thế?
1. Cha mẹ ‘ủ’ con ấm quá, con khóc đấy
Con luôn muốn được cuộn lại trong những tấm mềm ấm áp nên khi quá lạnh sẽ quấy khóc để thể hiện sự khó chịu của mình. Nhưng cha mẹ cũng đừng vì thế mà ‘bọc’ con kín quá nhé vì con sẽ cảm thấy thực sự bí bách, khó chịu nên sẽ khóc nằng nặc để ‘phản kháng’.
2. Cha mẹ đừng cãi nhau
Chỉ cần nghe ngữ điệu của cha mẹ, con biết lúc nào cha mẹ hòa hợp, lúc nào cha mẹ cáu bẳn… xin cha mẹ đừng cãi nhau trước mặt con và cũng đừng nghĩ rằng con chỉ là đứa trẻ mới sinh, chưa biết gì. Thực ra, con biết hết và con thực sự cảm thấy buồn vì những tiếng la hét của mẹ hay tiếng quát tháo của cha. Khi con không vui, con không thể nói cho cha mẹ hiểu, do đó, con chỉ còn biết khóc để báo động…
3. Con mệt quá!
Con thấy không thoải mái khi phải nhận quá nhiều sự kích thích như: ánh sáng, âm thanh và đặc biệt ghét bị ‘đẩy đưa’, truyền từ tay bác này sang cô kia. Con khóc để nói rằng “Con thấy mệt rồi!”. Bởi thế, cha mẹ hãy giúp con nghỉ ngơi, thư giãn một chút bằng cách bế con ra một nơi yên tĩnh hơn và thử ru con ngủ.
4. Con muốn được bế
Con chỉ là một đứa trẻ thôi. Con luôn muốn được ôm ấp và vỗ về. Con thích được ngắm nhìn gương mặt mẹ, thích được nghe mẹ nựng nịu và thậm chí con có thể phân biệt được mùi hương đặc trưng của cha mẹ nữa.
Có một bí mật này nữa, cha mẹ cứ hay có thói quen ru con ngủ ngay sau khi ăn. Nhưng sự thật con sau khi được ăn no và được thay tã mới, con muốn được âu yếm thêm một chút nữa trước khi đi ngủ.
5. Sao mình đói thế nhỉ?
Khi con ngủ dậy và khóc nức nở, con đang muốn cha mẹ biết rằng mình đang đói. Nghe tiếng khóc đứt đoạn, trầm và thường không kéo dài, hãy lập tức cho con ti luôn nhé.
6. Mẹ ơi, thay tã!
Con sẽ khóc báo hiệu cho mẹ biết ngay tã con đã ướt nhưng một số bạn của con lại im lặng và thấy thoải mái với ‘cảm giác ấm áp’ của một chiếc tã lót đã ướt. Dù sao thì tiếng khóc của con cũng là tín hiệu để mẹ kiểm tra và vệ sinh thân thể cho con kịp thời khi ‘có biến’.
7. Sao bụng con đau thế?!
Cha mẹ nhớ nhé, tiếng khóc nức nở, bụng ưỡn lên đích thị là con bị đau bụng. Hãy xoa dịu con bằng cách day day bụng. Nếu thấy cưng cứng thì nên xoa dầu khuynh diệp và ủ ấm cho con.
8. Chắc con bị ốm, sốt rồi
Ốm, sốt ai chẳng mệt, con cũng thế thôi. Nếu cha mẹ nghe thấy tiếng con khóc dai dẳng thì cũng đừng nên quá hoảng hốt và thật nhanh chóng đưa con đến khám bác sĩ để tìm ra phương pháp chữa trị.
9. Đôi khi con nũng nịu tí thôi
Nũng nịu mới là ‘thiên thần’ của mẹ chứ! Vì thế, khi con chỉ mè nheo để gây chú ý thì tiếng khóc sẽ kéo dài từng đợt một, kiểu ê a thôi. Lúc này, mẹ nên dịu dàng bế con lên, âu yếm hoặc hát cho con nghe, con sẽ không tủi thân và nín khóc.
Cha mẹ ơi, dỗ con!
Khi con khóc, cha mẹ hãy thử một số ‘chiêu’ dưới đây để dỗ con nhé:
1. Cuộn con lại và ôm ấp
Con luôn thích cảm giác ấm áp và an toàn như khi vẫn ở trong bụng mẹ, vì thế hãy quấn con trong tấm chăn ấm, bế ẵm vào lòng. Nhưng cũng có nhiều bạn của con lại không thích kiểu bế này và thích được âu yếm theo kiểu khác như là được bế và rung rung, hay được cho ngậm ti giả.
2. Cho con nghe nhạc điệu
Cha mẹ có thể thử bật nhạc nhẹ nhàng, hát ru.
3. Cho con quen với những chuyển động
Đôi khi chỉ bằng việc bế con và đi lại bạn trong phòng cũng là cách đã dỗ dành hay. Đu đưa con nhẹ nhàng trong một chiếc ghế, đặt con trên một chiếc ghế lò xo sẽ có tác dụng hiệu quả. Cha mẹ cũng có thể đẩy con đi dạo trên xe nôi hay cho con đi chơi một vòng.
4. Massage cho con
Cha mẹ đừng lo lắng nếu không biết chính xác những động tác, xoa nhẹ nhàng và chậm dãi vào lưng, bụng của con. Chỉ cần được xoa bụng hay xoa chân, tay là con đã thấy thư giãn và thoải mái lắm rồi.
Con khóc, chắc cha mẹ thấy mệt mỏi và căng thẳng, nhiều lúc cảm giác không đủ thời gian và nghị lực để nuôi con con. Nhưng hãy yêu thương con bằng tình yêu vô điều kiện, lớn dần lên, con sẽ hiểu tấm lòng của cha mẹ và kính trọng, yêu cha mẹ như cha mẹ đã yêu con!