Theo thông tin mới nhất, các nhà khoa học của Mỹ vừa mới phát hiện ra con mạt gây dị ứng trong máu dây rốn của trẻ sơ sinh.
Điều này chứng tỏ nếu mẹ bị nhiễm mạt thì thai nhi cũng khó tránh tiếp xúc với sinh vật này.
Sớm tiếp xúc với con mạt gây dị ứng sẽ rất dễ bị hen suyễn, tiến sĩ Abdul Bahrainwala, Đại học Wayne State (Mỹ), khẳng định. Con mạt thường sống trong giường đệm và các bề mặt bông sợi như thảm, quần áo…
Bahrainwala và cộng sự đã đo lượng mạt gây dị ứng có tên là Der p 1 trên 98 bà mẹ và trẻ sơ sinh. Kết quả cho thấy 27 bà mẹ bị dính Der p 1, và 12 trẻ sơ sinh có dị ứng nguyên này trong máu dây rốn. Qua phân tích dữ liệu, người ta nhận thấy có mối liên hệ mật thiết giữa tình trạng nhiễm mạt của mẹ và thai nhi, trong đó lượng mạt ở con chiếm khoảng 1/3 của mẹ.
Nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu cơ chế truyền mạt từ mẹ sang con trong thời gian tới, song kết quả ban đầu cho thấy để ngăn ngừa triệt để căn bệnh hen suyễn, ngoài việc bản thân trẻ phải tránh tiếp xúc với các dị ứng nguyên ngay từ khi còn nhỏ, người mẹ cũng cần hạn chế hít mạt trong thời kỳ mang thai.