Những lời khen sẽ giúp con trẻ thêm những quyết tâm, tựa như “doping” – để vượt qua nhiều thử thách, song không phải cha mẹ nào cũng chăm chút đến lời khen cho con.
Khen và thưởng: “cặp đôi hoàn hảo”
Trẻ con xứ ta thường ít được khen thưởng, lại hay bị chê bai và trừng phạt. Cho nên cứ mỗi lần trao đổi chuyên đề “Kỷ luật không nước mắt”, ThS Trần Thị Ái Liên lại vẽ minh họa “bản đồ tinh thần” của hai đứa trẻ. Một đứa cứ bình thường (không phạm lỗi) là đã được khen. Còn đứa kia bình thường không được khen, nhưng phạm lỗi là bị chê bai. “Biểu đồ tinh thần” của trẻ nào cao hơn đã rõ. Và sự tự tin trong đời khi chúng lớn lên chắc chắn sẽ rất khác biệt.
“Lỗi lầm là bình thường, không lỗi lầm mới đáng khâm phục”. Theo bà Liên, chỉ cần con trẻ không phạm lỗi là đã đáng được khen. Bà lưu ý khi khen cần trung thực, có sao khen vậy, khen không trung thực chẳng khác nào dạy trẻ “sống hai mặt”. Lưu ý nữa là cần khen một cách chân thành, vì khen thiếu chân thành là một kiểu “hối lộ tinh thần”.
Khen và thưởng là một “cặp đôi hoàn hảo”. Bé Bảo Ngân (Q.2, TP.HCM) vào đầu năm lớp 1 hay bị táo bón do “con không kịp uống nước”! Qua trao đổi, ba và bé “bí mật” thống nhất sẽ uống nước vào những thời điểm nhất định. Bước đầu, ba “ém” vào cặp bé hai chai nước. Nếu bé uống hết một chai là đạt cờ xanh, chai rưỡi là cờ vàng, hai chai là cờ hồng. Mỗi tối, bé hào hứng cắt lá cờ nho nhỏ gắn lên bảng thành tích, nhờ vậy mà được thư giãn và rèn đôi tay thêm khéo léo.
Rõ ràng, phần thưởng cho hành vi tốt (uống nước) của bé Ngân chỉ đơn giản là những lá cờ nho nhỏ, vậy mà bé vẫn nỗ lực để rèn được thói quen tốt. Theo bà Liên, mục đích của thưởng là “tăng tinh thần” nên phần thưởng không nhất thiết phải là vật chất. Ngoài ra, thưởng là nhắm vào “cái muốn” (khiến trẻ sung sướng) chứ không phải “cái cần”. Vì ăn ngon, mặc ấm, ngủ đủ… vốn là quyền cơ bản của trẻ (cái cần), còn cái khiến trẻ sung sướng là tùy nơi mỗi trẻ. Với trẻ này là ăn tiệm, với trẻ khác có thể là truyện tranh hoặc một buổi chơi cùng cha mẹ.
Trao quyền tự quyết
Cuối tuần, cả nhà bé Cẩm (6 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại đến sân chơi thiếu nhi công viên Tao Đàn. Trang phục mẹ soạn sẵn phù hợp cho vận động nhưng bé lại chọn một bộ khác theo màu sắc bé thích (màu hồng). Bé vùng vằng cho đến khi mẹ trợn mắt, vậy là suốt buổi đi chơi bé không vui vẻ như mọi lần. Mẹ bé Cẩm chia sẻ kinh nghiệm trong một nhóm cha mẹ: “Lẽ ra tôi chỉ cần giải thích lợi hại, còn chọn bộ nào cứ để bé quyết định. Gặp bất tiện khi chạy nhảy, bé sẽ không chọn quần áo như thế cho những lần sau”.
“Bài học từ sự trải nghiệm là bài học sâu sắc nhất”, bà Liên nói. Theo các nhà giáo dục, bằng việc trải nghiệm kết quả thu về từ quyết định của chính mình, con trẻ sẽ có được bài học trọn vẹn nhất. “Nhưng nhiều người lớn cứ quen tước mất quyền tự quyết của con. Họ cứ áp đặt tất cả, trẻ cứ thế làm theo và rồi… không được lớn”, bà Liên bức xúc. Điều này thật sự không ổn, vì cha mẹ không thể bảo bọc con suốt đời.
Để tăng khả năng tự quyết cho con, một số cha mẹ thường hay trao quyền cho trẻ thực hiện các “dự án gia đình”. Như chị Phương Nga (Q.3, TP.HCM) cứ ba tháng lại giao cho con trai 8 tuổi “phụ trách” việc trang trí bức tường trong phòng ngủ lần lượt theo các mùa xuân, hạ, thu, đông. Tháng 6 vừa rồi, chị lại giao con trai làm “chủ xị” tổ chức thôi nôi cho em gái. “Thằng bé thích lắm. Dĩ nhiên là mình góp thêm ý kiến, nhưng quyết định cuối cùng là của con”, chị nói.