Trẻ bị nói lắp cần được chữa trị tích cực trước khi bắt đầu đến trường, vì nếu tật nói lắp kéo dài suốt thời đi học thì trẻ sẽ có nguy cơ chịu tác hại mạn tính và khó uốn nắn suốt cuộc đời.
Tật nói lắp thường bắt đầu xuất hiện khi trẻ lên 3-4 tuổi. Bé trai dễ mắc tật này gấp 3 lần bé gái. Nói lắp có thể do một loạt nguyên nhân gây nên bao gồm di truyền, sự cố tín hiệu giữa bộ não – dây thần kinh – cơ; và một vấn đề về phát triển. Một số em khỏi bệnh một cách tự nhiên, song giới chuyên môn cho rằng nên bắt đầu điều trị ngay trước tuổi đi học thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
“Nếu tật nói lắp kéo dài suốt thời đi học thì trẻ sẽ có nguy cơ chịu tác hại mạn tính và khó uốn nắn suốt cuộc đời”, tiến sĩ Mark Onslow, Trung tâm nghiên cứu tật nói lắp Australia, Đại học Tổng hợp Sydney, nói.
Hiện nay hoàn toàn không có thuốc chữa chứng bệnh này, song nhóm nghiên cứu của Onslow đã phát triển và kiểm nghiệm một liệu pháp có tên là chương trình Lidcombe. Kết quả rất khả quan. “Sau 9 tháng điều trị bằng Lidcombe, tật nói lắp giảm đáng kể so với sự phục hồi tự nhiên”, Onslow cho biết.
Chương trình Lidcombe là một liệu pháp hành vi, được một phụ huynh thực hiện dưới sự hướng dẫn của một bác sĩ. Người thực hiện sẽ đánh giá tình trạng nói lắp của trẻ bằng thang 10 điểm và sau đó tham vấn bác sĩ hằng tuần để kiểm tra tiến độ. Khi tật nói lắp biến mất hoặc gần khỏi, giai đoạn hai của chương trình sẽ bắt đầu, tập trung duy trì những gì đạt được trong giai đoạn 1 trong vòng một năm.
Onslow và cộng sự đã đánh giá hiệu quả của Lidcombe trên 54 trẻ, trong đó 29 em được điều trị và 25 em làm đối chứng. Kết quả cho thấy chỉ có 15% số trẻ trong nhóm đối chứng có dấu hiệu cải thiện, so với 77% nhóm được điều trị.