Lúc kết hôn, tôi vẫn luôn tâm niệm rằng sẽ gắng duy trì một gia đình êm ấm, không bao giờ được để ảnh hưởng tới con. Chia sẻ với chồng suy nghĩ này, anh hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng được như chúng ta mong muốn. Chén bát trong sóng còn khua. Và những khi giận dữ, bực tức, bậc cha mẹ hầu như quên hẳn sự hiện diện của những đứa trẻ ngây thơ bên cạnh.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, đọng mãi không quên là những lần ba tôi đi nhậu say về. Có lẽ đó là những khoảnh khắc đen tối, khắc khoải và đau đớn nhất, đủ để mấy đứa trẻ như chị em tôi sợ hãi cùng cực.
Những lúc đó, ba tôi thường kiểm tra bài vở, đánh con, cãi cọ, xô xát với mẹ tôi. Những kỷ niệm đó hằn sâu mãi đến sau này, dù rất cố gắng, chúng tôi vẫn không sao gần gũi với ba được.
Kết thúc những trận cãi vã của ba mẹ tôi ngày ấy thường là những trận khóc lóc, hăm dọa, rằng mẹ sẽ bỏ đi, sẽ tự vẫn cho vừa lòng mọi người, ba tôi thì dọa sẽ đốt nhà, sẽ giết hết cả bọn… chẳng hạn. Những lời lẽ đó gieo vào đầu óc lũ trẻ chúng tôi cảm giác kinh hoàng. Ai từng trải qua thời thơ ấu không êm ả hạnh phúc mới thấu hiểu hết được những khổ tâm và sự ảnh hưởng ghê gớm của khoảng thời gian đó lên cuộc đời mình. Tôi lớn lên luôn thường trực nỗi bất an, thèm một chỗ dựa vỗ về, trong giấc mơ đêm đêm thi thoảng vẫn còn ám ảnh.
Giờ, tôi đã là mẹ của hai đứa nhóc. Lúc kết hôn, tôi vẫn luôn tâm niệm rằng sẽ gắng duy trì một gia đình êm ấm, không bao giờ được để ảnh hưởng tới con. Chia sẻ với chồng suy nghĩ này, anh hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng được như chúng ta mong muốn. Chén bát trong sóng còn khua. Và những khi giận dữ, bực tức, bậc cha mẹ hầu như quên hẳn sự hiện diện của những đứa trẻ ngây thơ bên cạnh.
Có một lần, khi tôi vừa mặc một bộ đồ ở nhà, con trai lên năm bỗng bảo: “Bộ đồ này, mẹ đừng mặc nữa!”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Vì sao thế con, mẹ mặc không đẹp à?”.
– Không, vì có lần ba xô mẹ té ngay bộ đồ này mà.
Câu trả lời của con làm vợ chồng tôi chết đứng. Hóa ra, một chút sơ suất của người lớn vẫn đủ để tạo ấn tượng mạnh và xấu trong tâm trí một đứa trẻ non nớt, tưởng như vẫn chưa hiểu điều gì. Với con tôi, một lần ba xô đẩy mẹ ngã xuống nệm là cả một hình ảnh khủng khiếp. Có thể con chưa đủ trí khôn để nhận thức vấn đề, nhưng tình cảm ngây thơ trong trẻo của con sẽ bị tổn thương. Đừng lầm tưởng rằng, khi hai vợ chồng giận nhau thì con trẻ không cảm nhận được. “Đóng kịch” cũng là một điều mà nhiều bậc làm cha làm mẹ thường “diễn” để con cái được yên lòng. Thế nhưng, nó như con dao hai lưỡi, đặc biệt với những đứa trẻ lớn hơn đôi chút, bắt đầu cảm nhận được đâu là không khí gia đình thật sự của mình. Khi đó, tác dụng ngược là điều khó tránh khỏi.
Chồng tôi không thường say xỉn, mỗi lần nhậu về thì cũng không “quậy”, nhưng tinh thần lại phấn khích, hay giỡn với con quá đà, kiểu như ẵm thảy lên cao, bồng xoay vòng vòng, mấy cha con leo trèo chơi “cảm giác mạnh”. Ban đầu tụi nhỏ cũng thích thú, nhưng sau thì đâm sợ. Tôi phải khuyên chồng rất nhiều, thậm chí luôn tìm cách “cách ly” mấy cha con ra, mỗi khi biết hôm nay chồng sẽ nhậu say về nhà. Bởi lòng nơm nớp sợ, hình ảnh ba của con mình lâu dần sẽ bị méo mó đi ít nhiều…
Con càng lớn tâm lý càng phức tạp, hay quan trọng hóa vấn đề, luôn muốn cảnh nhà mình phải đề huề ấm cúng. Điều này tưởng dễ mà khó. Chúng tôi thỏa thuận sẽ gắng bình tĩnh nhẹ nhàng, giữ sự tôn trọng nhau trước mặt con, không để con cái lo buồn, thấp thỏm. Đôi ba lần vợ chồng quá nóng nảy, gây gổ lớn tiếng, là đứa nhỏ nép vào góc nào đó và rúm ró khóc. Cảnh đó thật sự cũng không hiếm gặp trong nhiều gia đình bây giờ, khi cuộc sống nhiều mối lo toan, sự vất vả bon chen bên ngoài rút kiệt kiên nhẫn dành cho người thân thì phải. Đứa lớn, sau “sự kiện” đó thường có cử chỉ lầm lì ương ngạnh, khó bảo đến bất ngờ. Nhưng nhờ cái “xuất thân” đặc biệt của mình, tôi thấm thía hiểu, đó chỉ là sự phản ứng tự nhiên của con, nhằm che đậy tâm hồn mỏng manh bị tổn thương bởi mái gia đình không đầm ấm. Thương và ân hận biết chừng nào khi phải làm con khổ sở, mất niềm tin thế này…