Trong quá trình trưởng thành của con, việc học từ mới và khám phá ranh giới là những việc rất quan trọng, tuy nhiên, khi bé nói còn chưa sõi mà đã biết văng bậy, làm nhiều bậc phụ huynh rất buồn và không biết phải phản ứng thế nào là hợp lý.
Đau đầu vì con chửi bậy
Cả tuần nay, nhà anh Chiến – chị Mi (Phố Huế, Hà Nội) căng thẳng, hai vợ chồng anh chị to tiếng với nhau suốt.
Chuyện là bé Nhi Ún nhà anh chị hơn 2 tuổi mà đã biết chửi bậy. Anh Chiến là kỹ sư xây dựng, tính chất công việc yêu cầu anh chuyện phải đi tối ngày. Vấn đề là chị Mi cũng chẳng kém, sau khi cai sữa cho con xong, chị cũng dành nhiều thời gian để phát triển sự nghiệp. Và thế là Nhi Ún được cô giúp việc từ dưới quê chồng lên trông.
Một ngày, anh Chiến về sớm, anh chết giấc khi nghe thấy con bé ngoan ngoãn thuở nào của mình… văng tục: “Hãm, mẹ nhà mày”. Lúc đó Nhi đang chơi búp bê thì chị Bông (4 tuổi, hàng xóm) sang giằng co đòi chơi cùng.
Ban đầu, anh nghĩ mình nghe nhầm nhưng một lúc sau câu đó lại được vang lên khi cô Sự (giúp việc nhà anh chị) làm bé không vừa ý. Vợ chồng anh tá hỏa khi bé nói còn chưa sõi mà đã biết văng bậy.
Nguyên nhân chính là từ hàng xóm nhà anh chị. Tuy ở trên phố, dân trí cao nhưng nhiều dân buôn bán. Anh chị đi làm tối ngày, giao phó Nhi cho cô giúp việc. Cô là người tốt, chân chất thật thà, nhưng vì anh chị ra “yêu sách”: “Không cho Nhi xem tivi nhiều, bé sẽ chậm nói. Cần cho bé ra ngoài tiếp xúc với mọi người”.
Vậy là hàng ngày, cứ ăn xong là cô Sự lại ẵm Nhi lê la khắp khố, đặc biệt là sang nhà bà Khanh – hàng xóm chơi.
Bà Khanh cũng tốt bụng, thích trẻ con nhưng phải cái hay chêm câu đệm. Thế là chẳng ai biết rằng, mỗi ngày, cô bé Nhi lại “đón nhận” thêm vài từ “hot”.
Anh chị nói chuyện, cô Sự cũng chỉ ú ớ, giật mình khi biết chuyện, đến giờ cô cũng không tin: “Sao Nhi lại bắt chước những câu đó nhanh như thế trong khi ngày nào cô cũng dạy bé hát mà mãi bé không chịu học theo?”.
“Mình đau đầu vô cùng khi Nhi ‘nhiễm’ thói xấu này, vợ chồng mình cũng hối hận vì đã dành quá nhiều thời gian cho công việc mà không để ý tới con. Những lúc Nhi nói bậy mình chỉ còn biết quát con: ‘Nhi không nói thế đâu con” – chị Mi bùi ngùi chia sẻ.
Cùng cảnh có con chửi bậy là nhà anh Quang – chị Mai (Phúc Xá, Hà Nội). Bé Tít tròn 3 tuổi, anh chị quyết định gửi bé ở nhà trông trẻ tư nhân gần nhà.
Mấy hôm đầu, anh chị phấn khởi ra mặt vì cu cậu ăn ngoan hơn, nghe lời bố mẹ hơn thế nhưng anh chị lại giật mình thon thót khi bé “nhỡ miệng”: “Mẹ nó chứ”.
Thấy anh Quang định đánh Tít, bà nội xông ra can, bà còn phá lên cười khi nghe cháu bà lần đầu biết… chửi. Dường như thấy bà đồng tình, Tít cũng thi thoảng lại “Mẹ nó chứ”.
“Mình rất sốc và buồn phiền khi con lại thế. Bây giờ, mình không biết phải làm thế nào để dạy con nữa…” – chị Mai tâm sự.
Hãy hiểu và yêu thương con nhiều hơn thế
Trong giai đoạn bé học nói, các bé rất dễ bị “nhiễm” ngôn ngữ không lành mạnh vì trong quá trình phát triển ngôn ngữ, bé có xu hướng nói lại những gì bé nghe được. Bởi vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn cho bé tiếp xúc với một môi trường có những ngôn ngữ không sạch.
Vậy phản ứng nào là hợp lý?
Bạn nên nói chuyện, thủ thỉ, tâm sự để bé hiểu được chửi bậy là điều xấu, là không nên. Bạn cần hạn chế cho bé tiếp xúc với môi trường không lành mạnh.
Hãy trao đổi với người trông trẻ và đề ra nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ trước mặt bé. Điều này sẽ giúp bé dần dần hiểu ra vấn đề. Nhưng bạn cũng cần tránh thể hiện thái độ bực bội, phản ứng gay gắt với bé vì thực ra bé chưa hiểu được nội dung những gì bé phát ngôn.
Sẽ là sai lầm khi bé nói bậy và bạn cười. Hành động đó chẳng khác nào khuyến khích bé “hãy sai đi con”.
Nếu bé tiếp tục nói bậy, bạn hãy phạt bé bằng cách “không chơi”, bỏ qua bé và rời khỏi phòng. Bé nói bậy, bạn căng thẳng, stress chửi lại con… đó là một cách dạy con sai lầm và vô cùng tai hại. Hành động này khiến bé không nhận ra vấn đề, bé không hiểu phải làm thế nào thì bố mẹ mới hài lòng.
Tóm lại, để ngăn chặn việc bé chửi bậy, tốt nhất người lớn phải gương mẫu trong lời ăn tiếng nói. Bạn nên giúp bé nhận biết những từ nào nên và không nên nói.
Hàng ngày, bố mẹ có thể thông qua các hoạt động như đọc thơ, kể chuyện… để kích thích các bé quan tâm tới những lời nói hay.