Nguyên nhân xuất hiện rối loạn tâm thần trong thai kỳ? Những rối loạn tâm thần sau khi sinh? Vấn đề điều trị và phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây chúng tôi xin được giúp các mẹ bầu giải đáp những vấn đề này.
Rối loạn tâm thần thời kỳ mang thai và sau sinh là một quá trình biến đổi sinh lý, sinh hóa phức tạp diễn ra với các mức độ khác nhau làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ và đến sự phát triển thể chất cũng như tâm thần của đứa trẻ khi sinh.
Nguyên nhân xuất hiện rối loạn tâm thần trong thai kỳ
1. Yếu tố sinh học
Trong thời kỳ có thai có sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai nhi như các hoóc-môn estrogen, progesteron, HCG, có sự gia tăng bài tiết một số hoóc-môn tuyến yên, cận giáp, tuyến giáp và hoóc-môn buồng trứng.
Ở tuyến yên: trong thời kỳ mang thai tuyến yên của người mẹ to gấp rưỡi so với bình thường và tăng bài tiết ACTH, TSH.
Tuyến giáp cũng to gấp rưỡi so với bình thường và tăng bài tiết T3, T4.
Aldosterol tăng cao nhất ở tháng cuối cùng với estrogen.
2. Yếu tố tâm lý xã hội không thuận lợi
- Mang thai ngoài ý muốn.
- Mẹ sống độc thân.
- Sự khó khăn thiếu thốn về vật chất, kinh tế thu nhập kém hoặc không có khi mang thai.
- Thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình, chia sẻ của người chồng; quan niệm sinh con trai, con gái.
- Ngoài ra còn các yếu tố liên quan trực tiếp như nhiễm trùng, nhiễm độc, can thiệp sản khoa.
Một số công trình nghiên cứu trên thế giới trước kia cũng như hiện nay không đề cập yếu tố di truyền liên quan đến gia đình.
Những rối loạn tâm thần sau khi sinh
1. Lú lẫn, hoang tưởng cấp
Thường xảy ra trong khoảng 20 ngày đầu. Tiến triển nhanh từ ngày thứ 3, đột ngột xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng (có thể cả mê mộng) tăng về chiều tối. Hoang tưởng bị hại tập trung vào đứa con (cho là đứa con sinh ra không phải của mình) đôi khi kèm theo trầm cảm – lo âu.
2. Rối loạn hành vi
Thường sau 2 tuần sau khi sinh, sản phụ có biểu hiện như buồn rầu, khóc lóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo, ít chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc lôi thôi, hành vi thô bạo, xúc phạm người xung quanh. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ mặc con, hành hạ con thậm chí giết hại hoặc tự sát. Sau khi bệnh ổn định thì người bệnh cũng không nhận thức việc mình đã hành động.
Ngoài ra có thể gặp các rối loạn mang tính chất tâm căn như nôn, buồn nôn. Nhất là mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, một số khác thì tăng tiết nước miếng. Còn gặp tăng huyết áp do tăng bài tiết aldosterol và estrogen, do tăng lưu lượng máu đến 30% trong những tháng cuối thai kỳ.
Thường gặp là lo âu nhẹ, chóng mặt, tức ngực, sợ chết khi đẻ, sợ sinh con bệnh tật… có thể giảm triệu chứng này ở tháng thứ 4 và tái xuất hiện trạng thái lo âu trước khi sinh.
Vấn đề điều trị
1. Các rối loạn tâm căn thời kỳ mang thai
- Liệu pháp tâm lý nâng đỡ.
- Liệu pháp gia đình (chủ yếu giải thích cho người chồng).
- Các thuốc giải lo âu (sau tháng thứ 3).
2. Các rối loạn loạn thần sau đẻ – lú lẫn, hoang tưởng
- An thần kinh.
- Chống trầm cảm.
- Shock điện (nhất là khi có nguy cơ tự sát và giết con).
3. Các rối loạn cảm xúc (trầm cảm và hưng cảm)
- Chống trầm cảm và an thần kinh.
- Nếu cần shock điện (tác dụng nhanh và an toàn cho con).
4. Các biện pháp cần thiết
- Nhập viện, tách mẹ và con (để đảm bảo an toàn cho con).
- Loại trừ các nguyên nhân phụ khoa (sót rau, nhiễm trùng…).
- Khi trạng thái của mẹ đã thuyên giảm cần cho gặp con trước sự giám sát y tế để tái lập mối quan hệ mẹ – con.
- Nếu điều kiện cơ sở cho phép, nên cho cả mẹ lẫn con cùng nằm viện.
Vấn đề phòng ngừa
Trong thời kỳ thai nghén, nếu có rối loạn nhẹ, người mẹ cần được động viên, nâng đỡ của chồng và gia đình, cần được nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng; nếu có các rối loạn tâm thần nặng cần đưa đến khám tại cơ sở chuyên khoa tâm thần.
Chọn thời điểm thích hợp để cho mẹ gần con và chăm sóc con, phải có sự theo dõi, giúp đỡ của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần, tâm lý trị liệu.
Chồng và người thân cần quan tâm, động viên để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ở thời kỳ sau sinh, nếu bị trầm cảm nhẹ khi được động viên, nâng đỡ thì phần lớn sẽ trở lại bình thường, nếu bị trầm cảm nặng cần có chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm.
- Khi có rối loạn hành vi kích động dữ dội hoặc trầm cảm nặng cần nhập viện để được điều trị, cách ly đảm bảo an toàn cho con. Khi bệnh tạm ổn, người mẹ cần được nâng đỡ để tránh mặc cảm.
- Không cho con bú (vì thuốc hướng thần qua sữa).
- Loại trừ các nguyên nhân phụ khoa (nhiễm trùng, sót nhau).
Tùy tình trạng mang thai từng thời kỳ tiến hành liệu pháp tâm lý nâng đỡ, liệu pháp gia đình (chủ yếu giải thích cho người chồng).
Mẹ sốt khi mang thai con dễ bị tự kỷ hoặc chậm phát triển tâm thần cao gấp đôi.
Trước khi có con, các cặp vợ chồng cần được hướng dẫn về tình trạng sức khỏe nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ và hậu sản, cách chăm sóc em bé để người chồng có thể hỗ trợ vợ một cách tốt nhất.
Người mẹ nên đi khám thai định kỳ và cần được theo dõi trong thời kỳ hậu sản.