Thăm khám thai định kì là điều hết sức nên làm đối với các bà mẹ mang thai. Tuy nhiên, không ít bà mẹ vì lí do này kia như công việc bận bịu, sức khỏe tốt,… mà bỏ qua việc này. Hậu quả là đôi khi họ phải gánh chịu những nỗi đau không nhỏ. Vì vậy, các bà mẹ mang thai không nên chủ quan để tránh xảy ra những hệ lụy không mong muốn.
Đắng lòng vì mẹ bầu chủ quan
Thăm khám thai định kì là điều hết sức nên làm đối với các bà mẹ mang thai. Tuy nhiên, không ít bà mẹ vì lí do này kia như công việc bận bịu, sức khỏe tốt,… mà bỏ qua việc này. Hậu quả là đôi khi họ phải gánh chịu những nỗi đau không nhỏ. Trường hợp của chị Nhuần (24 tuổi, Nam Định) là một ví dụ. Vừa sinh được hơn 1 tháng thì chừng ấy ngày thức trắng ở bệnh viện Phụ sản TW trông con vì bé bị não úng thủy bẩm sinh.
Chị sụt sùi kể: “Suốt thai kì em thấy trong người khỏe mạnh, ăn ngủ được với lại do mới mở cửa hàng kinh doanh, công việc bận bịu nên chủ quan không siêu âm, xét nghiệm lần nào. Khi sinh ra, cháu ban đầu cứ quấy khóc, không chịu bú, rồi thấy đầu to bất thường vợ chồng em mới tá hỏa đưa con lên viện. Lúc bác sĩ kết luận cháu bị não úng thủy em như rụng rời cả chân tay. Nhìn đầu con ngày càng to, khóc ngằn ngặt rồi nôn mà em xót xa quá, chắc con em đau lắm…”. Nói đến đây chị òa khóc, anh Phú – chồng chị ngồi bên cạnh mắt cũng đỏ hoe, ngậm ngùi: “Cháu đang trong phòng cách li chuẩn bị phẫu thuật. Hôm trao đổi với tôi bác sĩ còn bảo, nếu thành công cũng vẫn có khả năng cháu bị bại liệt, hoặc bị ảnh hưởng thị giác cô ạ. Tôi ân hận quá, giá như vợ chồng tôi bớt chủ quan một chút, chắc thằng bé đã không phải khổ thế ..”.
Đau đớn hơn chị Nhuần, đó là trường hợp của chị Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội): Hiếm muộn mãi mới mang bầu mụn con đầu lòng khi đã bước sang tuổi 35 nên chị cũng tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai để chăm sóc thai nhi tốt nhất. Nhưng không ngờ khi thai được 13 tuần tuổi thì bác sĩ phát hiện độ dày da gáy của thai nhi đã là 2,6mm. Qua sàng lọc, theo dõi, xét nghiệm bác sĩ thấy thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down là rất cao và tư vấn cho chị nên bỏ thai. Vì tuổi đã cao lại hiếm muộn, chị và gia đình mong mỏi mãi mới có đứa con, phải bỏ đi thật quá đau đớn. Chị cũng lo nếu không sinh được con, chồng và gia đình chồng sẽ ruồng bỏ vì anh là con trưởng. Nghĩ luẩn quẩn, chị quyết giấu chồng và mọi người kết quả xét nghiệm để sinh con. Chị chặc lưỡi: “Thôi cứ sinh ra, biết đâu còn hi vọng…”. Tiếc là mọi chuyện chẳng như chị nghĩ, đứa bé sinh ra được vài ngày rồi mất. Giờ đây nỗi đau của chị và gia đình tăng lên gấp bội.
Chớ coi thường dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Dị tật bẩm sinh là những tổn thương thực thể có từ trong bào thai mà không (hoặc rất khó) sửa chữa, khắc phục được. Các dị tật bẩm sinh thường gặp là: down, dị tật về ống thần kinh (não thất không phân chia, não úng thủy,…), dị tật ở tim, thiếu dạ dày… Cần lưu ý rằng, di tật bẩm sinh khác với khuyết tật bẩm sinh, tức là có thể sửa chữa, khắc phục được, chẳng hạn như sứt môi, hở hàm ếch, khuyết 1 thận…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi, như trong thời kì đầu mang thai, người mẹ bị tác động bởi một ảnh hưởng nào đó gây ra dị thường; do bố, mẹ hoặc cả bố và mẹ có nhân tố di truyền dị tật; do khi trứng thụ tinh phát sinh những biến dị… hoặc cũng có thể do người mẹ mắc chứng bệnh nào đó khi mang thai,… Hiện nay, với nền y học hiện đại, không quá khó để phát hiện ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi bằng nhiều phương pháp: siêu âm, triple test, xét nghiệm ối,…Nếu phát hiện dị tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách xử lí hợp lí nhất. Mặc dù, tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở thai nhi là rất thấp, tuy nhiên, không ít bà mẹ mang thai tỏ ra chủ quan hoặc bỏ qua lời khuyên của bác sĩ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Bà bầu đừng quên đi khám thai
Dị tật ở thai nhi là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, bất cứ bà mẹ mang thai nào cũng có nguy cơ đối mặt với nó. Vì vậy, cách tốt nhất là thăm khám thai theo định kì để phát hiện sớm nguy cơ dị tật ở thai nhi. Bên cạnh đó, cũng cần sáng suốt nghe theo lời khuyên của bác sĩ đối với cách xử lí dị tật ở thai nhi. Nên nhớ, đôi khi bạn phải chấp nhận đau một lần nếu phải bỏ thai, nếu không muốn cả đứa trẻ sinh ra cũng phải chịu đau đớn.