Năm học mới bắt đầu, trong khi con phải “chạy show” ở các lớp học thì mẹ cũng phải chạy đua để “đi” thầy cô, hòng mong con mình được… nâng đỡ… Phúc, 5 tuổi, đọc thông viết thạo từ mùa hè và đọc được truyện tranh bằng tiếng Anh. Nhưng mẹ Phúc vẫn lo lắng tột cùng, lúc nào cũng như hình với bóng cùng cô giáo chủ nhiệm, Phúc méc ông bà nội, mẹ cưng cô quá à, mua cả iPhone cho cô.
Chẳng mẹ nào yên lòng để giao cục vàng cho người khác chăm, dù đó là cô giáo. Lý lẽ biện bạch quá nhiều, thử lên báo là thấy, biết bao trường hợp bé bị cô giáo lơ là, ngược đãi đó thôi. Thế nên gửi con tới trường, lo chồng thêm lo.
Chiêu độc “ghi điểm” với cô
Chuyện tặng quà quá thường và như lẽ hiển nhiên, nên các mẹ quyết định tìm chiêu độc “ghi điểm” trong mắt cô. Chứ phụ huynh nào cũng tặng quà cho cô thì cô biết ưu ái cục cưng nhà ai hơn? Liệu quà của mình có “bèo” quá không? Ai cũng ngầm hiểu giá trị quà tặng thường tỉ lệ thuận với mức ấn tượng của cô và độ yên tâm của mẹ.
Vì vậy, một số mẹ nảy ra sáng kiến: Tăng tần suất tặng quà vì tặng nhiều, tặng thường xuyên cô sẽ nhớ và vui hơn. Thế nên, thay vì cả năm chỉ “đi” cô vào các dịp đặc biệt mà phụ huynh nào cũng “bắt buộc” phải nhớ (8/3, trung thu, 20/10, 20/11, Tết dương lịch, Tết nguyên đán), nhiều mẹ còn “tranh thủ” cả những dịp tưởng chừng không liên quan lắm như 30/4 – 1/5, đầu năm học mới, Noel. Thậm chí có mẹ còn tặng quà cho cô giáo của con nhân… ngày lễ tình yêu!
Con gái chị Thanh Chi (Trường mầm non Hoa Mai, quận 3, TP. HCM) thuộc loại kén ăn nên cô phải đặc biệt chăm bé, còn mẹ cũng đặc biệt chăm cô. Chỉ cần thấy cô có triệu chứng hắt hơi, sỗ mũi, chị Chi lập tức có quà cho cô bồi bổ.
Hôm nào cô tâm sự dạo này cho bé ăn khó quá, lập tức chị lại lùng sục tìm mua quà. Thế nên, mới có chuyện chị mải mê shopping, săn hàng khuyến mãi, mua đồ cho hai mẹ con thì ít mà sắm quà dự trữ cho cô thì nhiều. Có hôm đang ngồi làm việc, nghe nói ở Nguyễn Trãi có cửa hàng giày dép giảm giá, chị tức tốc “lén” ra ngoài mua về mấy đôi để… tặng dần.
“Quà tặng cũng phải “xịn xịn” nên cần tranh thủ săn hàng hiệu khuyến mãi để tiết kiệm chi phí”, chị tâm sự. Bởi ngoài quà cáp, trong những dịp lễ chính, chị vẫn phải “nhét” phong bì 200 ngàn đồng cho đủ “thủ tục”.
Nhưng, lớp của con chị thay cô giáo liên tục! Cứ kết thân được với cô thì lớp lại thay người mới. Năm ngoái, lớp con chị đổi giáo viên đến 4 lần. Chị than: Cứ vừa tặng được cho cô mới một đôi giày xịn thì cô ấy đã chuyển lớp khác. Thế là lại phải tìm mua quà cho cô giáo tiếp theo…
Vì xác định sẽ cho con thi vào trường điểm nên từ khi bé vào mầm non, chị Thùy Dương (Trường mầm non Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đầu tư cho việc học hành của cháu.
Chị bộc bạch: “Chăm cô là chuyện đương nhiên. May mà con mình phát triển bình thường nên việc quà cáp cũng nhẹ nhàng hơn, chứ phụ huynh nào có con biếng ăn, nghịch ngợm, quậy phá hoặc có xu hướng tự kỷ thì thường phải đi phong bì hơi dày. Theo mình biết thì mức trung bình khoarg 200.000 ngàn đồng/ cô/ tháng, còn trường hợp đặc biệt là 500.000 ngàn đồng/ cô/ tháng. Thậm chí, ở lớp cũ của cháu, có phụ huynh còn tặng cả… xi măng với cát khi biết cô giáo đang xây nhà…”.
Mẹ lơ cô, thì cô lơ con liền!
Không chịu uốn mình theo xu hướng, vẫn có một số phụ huynh cho rằng, họ đã đóng tiền cho con đi học, nên chẳng việc gì phải biếu xén thêm nữa. Chị Quỳnh Giao (TP. HCM) lúc đầu cũng có “tư tưởng” như vậy.
Trước đây, chị cho con học trường tư, học phí cao ngất ngưởng nên “cắt” khoản quà cáp thầy cô. Cũng vì “lơ là” các cô mà con chị… bị bỏ rơi. Do đó, chị quyết định chuyển con sang trường công để giảm học phí, dùng khoản tiền dư ra để “quà cáp” cho các cô.
Trên một diễn đàn của các bà mẹ, khi một mẹ bày tỏ ý kiến phản đối việc “đi” thầy cô đã bị các mẹ khác liên tục “ném đá”. Có thành viên còn thốt lên: “Ui trời, mẹ này từ trên trời rơi xuống hả? Hay mẹ nó chưa có con?”.
Để bảo vệ quan điểm của mình, chị này còn đưa ra dẫn chứng hùng hồn: Một chuyện thật ở trường con tớ nhé. Cháu đang ngồi bàn cuối, mắt kém nhìn không được, nói mãi cô không chuyển chỗ, thế là mẹ đành mang phong bì hai trăm nghìn đồng tặng cô, hôm sau lên ngay bàn một.
Có nhiều mẹ còn tâm sự rằng dù chẳng bao giờ mình quà cáp cho sếp nhưng với cô giáo của con thì không thể không. Bởi “đã cho con học trường công thì chấp nhận bon chen. Mình chả muốn nhưng xã hội nó thế, không theo không được…”.
Cũng vì xót con mà chị Tố Quyên (Trường mầm non quận Tân Bình, TP. HCM) đã tranh cãi nảy lửa với chồng. Chẳng là chồng chị theo quan điểm để con phát triển tự nhiên, không cần cô quan tâm, chăm sóc đặc biệt.
Con trai đi mẫu giáo, chồng chị yêu cầu vợ không được “đi cửa sau” với cô. Bởi chẳng được học thêm từ mẫu giáo, vào lớp 1, cu cậu lại tụt lại hẳn so với chúng bạn, suýt thì bị lưu ban. Ấy vậy mà chồng chị vẫn một mực giữ vững quan điểm.
Tranh cãi không được, chị chỉ còn cách bí mật trốn chồng “chạy vạy” cho con lên lớp, rồi thuê ngay một gia sư kèm con học bù. Sau lần đó, chị rút kinh nghiệm rằng cứ phải chăm sóc cô thật kỹ mới yên tâm được.