Về các lớp học “sang” sẽ được trang bị máy lạnh, máy chiếu, hệ thống bảng tương tác; giáo viên thì được phụ huynh học sinh góp tiền mua máy tính xách tay; thậm chí bàn ghế, sàn nhà, rèm cửa, hệ thống chiếu sáng… cũng đều “sang” hơn các lớp “hèn”. Sang đến mức trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần ở sân trường, học sinh các lớp “con nhà giàu” này cũng được ngồi ghế có tựa lưng, còn các học sinh “con nhà nghèo” vẫn ngồi ghế không… có tựa lưng!
Mới chỉ là đưa ra lấy ý kiến, song Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT “về học phí chất lượng cao” ở các trường mầm non, THPT đã được một số trường ở Hà Nội tích cực triển khai. Về cốt lõi, có thể hiểu nôm na nội dung những quy định trong Dự thảo thông tư này của Bộ GD&ĐT là cho phép hình thành các lớp học với “dịch vụ chất lượng cao” ngay trong các trường công lập trên cơ sở sự tự nguyện đóng góp kinh phí. Từ đó, lớp học “sang” song song tồn tại với các lớp học “hèn” trong cùng một trường.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến bộ phim “Vườn sao băng” của Đài Loan được phát sóng nhiều lần trên đài truyền hình thời gian gần đây được nhiều bạn trẻ lứa tuổi học sinh hâm mộ. “Vườn sao băng” được chuyển thể từ bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng “Con nhà giàu” của tác giả Yoko Kamio. Câu chuyện xoay quanh một trường học danh tiếng dành cho con nhà quý tộc và toàn chuyện yêu đương giữa cô nữ sinh con nhà nghèo San Thái và bốn đại công tử thượng lưu F4… còn chuyện học tập, gần như không được nói đến.
Phải chăng sau khi xem bộ phim này, một số cậu ấm cô chiêu con nhà các “ông dự thảo” đã thích thú với môi trường học tập rất “quái dị” của các “cô” các “cậu” trong bộ phim trên nên đã thuyết phục “ông bố, bà mẹ dự thảo” nghiên cứu đưa ra để mình có sân chơi đẳng cấp riêng? Và vạn bất đắc dĩ, các “ông, bà dự thảo” tặc lưỡi: “Chiều nốt lần này. Con mình chứ ai”. Thế là cái “dự thảo rất vô tâm” kia đã ra đời?
Những tưởng môi trường giáo dục chỉ vênh nhau về độ thông minh, ham học của từng con trẻ, là môi trường bình đẳng nhất kia mà. Hóa ra không phải vậy! Người viết chỉ tiếc rằng chưa tìm được nghiên cứu nào chỉ ra rằng, học ở lớp đẹp hơn, ngồi ghế có tựa lưng thì những học sinh đó sau này sẽ thành đạt hơn những đứa trẻ học lớp tồi tàn, bàn ghế không tựa lưng!
Thiết nghĩ, anh có tiền, anh lo cho con cái học hành ở môi trường học tập tốt. Đó là quy luật tất yếu và không ai ngăn cấm. Nhưng những điều đó chỉ được thực hiện ở những sân chơi học tập tư bản, nơi mà không cần biết anh từ đâu đến, thuộc thành phần nào, học hành ra sao, miễn là anh… có tiền. Để đáp ứng “nhu cầu tất yếu” này, Nhà nước cũng đã cho phép liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài và hàng trăm các mô hình “đào tạo theo túi tiền” cũng đã, đang hoạt động mạnh mẽ.
Vậy xin mời các “ông, bà dự thảo” đưa ra quy định này viết rõ “dành cho khối trường tư thục, liên kết nước ngoài”. Còn lại khối trường, lớp khối công lập, là nơi những đứa trẻ “con nhà nghèo” nuôi dưỡng trí học hành, đảm bảo công bằng cho các em, cho bố mẹ chúng bớt còng lưng và cho xã hội.
Người viết cạn nghĩ rằng, trong nhà trường, tiêu chí duy nhất để xếp hạng, đánh giá học sinh chính là học lực cùng với hạnh kiểm, đạo đức chứ có lẽ không cần phải là tiền bạc. Mà đáng ra ở các trường công, cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học đều phải như nhau, học sinh không phải đóng bất cứ một khoản tiền gì bởi ngân sách dành cho giáo dục của nước ta không phải thấp, Nhà nước đã gánh một phần hay toàn bộ. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới hiện nay, là chính sách phúc lợi xã hội, là khoảnđầu tư cho tương lai. Chứ nếu cứ kiểu nhập nhèm công – tư, “thương mại hóa” giáo dục thế này, tương lai sự nghiệp trồng người sẽ ra sao.