Sự thay đổi của vòng 1 khi mang thai nhiều khi cũng là một vấn đề gây không ít khó chịu cho phái nữ. Đôi khi vòng 1 có cảm giác ngứa ngáy, mặc dù bạn thường xuyên tắm rửa sạch sẽ. Sự khó chịu này thực ra không liên quan gì lắm đến việc vệ sinh cơ thể. Đơn giản là do vòng 1 gia tăng kích cỡ, vùng da tại đây căng ra với tốc độ khá nhanh, điều này khiến cho thai phụ đôi lúc có cảm giác ngứa ngáy.
Chắc chắn vòng 1 sẽ tăng kích cỡ.
Ngay từ những tuần đầu của thai kỳ, vòng 1 đã bắt đầu tăng kích cỡ, thậm chí đến khi sinh nở, kích cỡ của vòng 1 có thể tăng lên tới 2 – 3 áo ngực. Lý do của việc tăng kích cỡ này là để chuẩn bị sẵn sàng cho việc “sản xuất” sữa, theo đó, các lớp chất béo được tăng lên, lưu thông máu cũng tăng, các tế bào tham gia tạo sữa cũng nhân lên rất nhiều lần… Mọi thứ sẵn sàng để một em bé chào đời.
Vòng 1 đau nhức, cả ở núm vú và toàn bộ hai bên vú. Giống như triệu chứng tiền kinh nguyệt mà nhiều phụ nữ gặp phải, vòng 1 của thai phụ sẽ có cảm giác đau nhức khá khó chịu. Nguyên nhân cũng giống như thời điểm trước kỳ kinh nguyệt: lượng hormon tăng cao vào thời kỳ mang thai, nhất là trong những tuần đầu của thai kỳ, và có thể kéo dài đến hết thời gian mang thai. Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng vì nó là những triệu chứng hết sức bình thường.
Đôi khi vòng 1 có cảm giác ngứa ngáy, mặc dù bạn thường xuyên tắm rửa sạch sẽ. Sự khó chịu này thực ra không liên quan gì lắm đến việc vệ sinh cơ thể. Đơn giản là do vòng 1 gia tăng kích cỡ, vùng da tại đây căng ra với tốc độ khá nhanh, điều này khiến cho thai phụ đôi lúc có cảm giác ngứa ngáy.
“Ngoại hình” của vòng 1 cũng thay đổi khá nhiều. Việc gia tăng kích cỡ là đương nhiên rồi, nhưng “ngoại hình” ở đây còn là sự thay đổi trên bề mặt da, màu sắc của núm vú… Thai phụ có thể sẽ thấy các mạch máu “chăng tơ” khắp ngực chẳng khác gì đống “tơ nhện”. Núm vú sậm màu đến mức gần như đen, mất hẳn sự hấp dẫn vốn có. Xung quanh khu vực này, bạn cũng sẽ thấy những nốt nhỏ trông gần như da gà, có xu hướng nổi rõ hơn. Giải thích cho những hiện tượng này cũng không khó: vụ mạch máu nổi như “tơ nhện” là do sự gia tăng nhu cầu máu của cơ thể khiến cho sự lưu thông máu tăng; màu sắc của núm vú sậm lại, theo nhiều nhà khoa học, là để giúp em bé tìm “ti mẹ” dễ dàng hơn; những nốt nhỏ như da gà chính là hệ thống ống Montgomery, chịu trách nhiệm sản xuất dầu, giúp vòng 1 tránh được các loại viêm nhiễm và bôi trơn cho vùng da tại đây. Hệ thống ống này cũng sản sinh ra một loại mùi rất đặc trưng, giúp cho em bé dễ dàng nhận biết “hơi sữa” của mẹ hơn. Đây quả là một điều kỳ diệu của tự nhiên!
Sữa non xuất hiện khá sớm. Vào khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ, hoặc muộn hơn một chút tuỳ cơ thể, tuyến sữa của một số thai phụ đã bắt đầu sản xuất sữa non. Sữa non giai đoạn này có phần đặc hơn và có màu hơi ngả vàng, do vậy đôi khi có thể khiến một số thai phụ mang thai lần đầu lo sợ, vì nghĩ rằng đó là dịch tiết không tốt từ vòng 1. Nhiều phụ nữ chắc chắn không còn xa lạ gì với thông tin, sữa non là loại sữa đặc biệt tốt cho các em bé mới sinh bởi lượng chất dinh dưỡng có trong đó. Vì thế, việc cơ thể tiết sữa non là một hoạt động hết sức bình thường, cơ thể người mẹ đang cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất thiên chức của mình, và các thai phụ nên tự hào về điều này hơn là lo sợ thái quá.
Phải làm gì để “hỗ trợ” vòng 1 giai đoạn này?
Điều quan trọng nhất là chọn loại áo ngực phù hợp. Vòng 1 tăng kích cỡ khá nhanh trong thời gian mang thai, vì thế, bạn không nên chọn loại áo ngực quá cầu kỳ và đắt tiền. Chỉ nên chọn loại đơn giản, có khả năng nâng đỡ ngực tốt, dễ điều chỉnh quai áo cũng như vòng áo quanh chân ngực, không nên chọn loại mút dày và có gọng. Gọng áo cứng quá sẽ khiến cho tình trạng đau nhức của vòng 1 trầm trọng hơn rất nhiều.
Khi đi ngủ, bạn có thể chọn loại áo ngực thoải mái hơn một chút, hoặc một chiếc áo ngủ phù hợp để tạo sự dễ chịu cho vòng 1. Một vài thai phụ có thể sẽ cần đến một chiếc gối nhỏ, mềm để đỡ ngực khi ngủ vào giai đoạn cuối của thai kỳ, lúc vòng 1 tăng kích cỡ tối đa.
Nếu vòng 1 có cảm giác quá ngứa ngáy, bạn có thể tìm mua một loại kem bôi dành cho phụ nữ mang thai, giúp cho da đàn hồi tốt hơn, mềm mại hơn và bớt cảm giác ngứa.
Với việc tiết sữa non, thai phụ cần giữ cho vòng 1 luôn khô ráo và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, tránh viêm nhiễm. Nếu sữa non tiết ra quá thường xuyên, bạn có thể dùng miếng hút thấm sữa để tránh bị ảnh hưởng tới lớp áo bên ngoài.
Cuối cùng, có thể vòng 1 của bạn không có những dấu hiệu trên, điều đó cũng không có nghĩa là cơ thể bạn có bất kỳ vấn đề gì. Miễn là việc mang thai của bạn khoẻ mạnh, em bé phát triển ổn định, bạn hoàn toàn có thể yên tâm.