Một nghiên cứu mới đây đã giúp trấn an nỗi lo lắng của các bà mẹ có con 1 tuổi mà chưa mọc răng. Thông thường thì ngay từ tháng thứ 6 – 7 đã có thể thấy dấu hiệu chiếc răng đầu tiên của trẻ. Một số trẻ khác có thể mọc răng muộn hơn, khoảng 1 tuổi hoặc thậm chí hơn 1 tuổi.
Các bác sỹ nhi khoa cho rằng đó là hiện tượng mọc răng chậm và điều này hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Tuy nhiên nếu trẻ đến hơn 1 tuổi mà chưa thấy mọc răng hoặc hơn 3 tuổi mà hàm răng chưa mọc hết thì bạn nên đưa con đến gặp bác sỹ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân chính xác cùng biện pháp chữa trị.
Qua số liệu thống kê thực tế, các chuyên viên nghiên cứu của trường Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) nhận thấy, ngoài yếu tố di truyền và mắc bệnh còi xương bẩm sinh thì đa phần trẻ em sinh vào mùa lạnh đều mọc răng chậm.
Nguyên nhân là do trời lạnh, sợ trẻ bị nhiễm cảm hoặc bị sốt nên người nhà thường ít khi cho trẻ ra ngoài. Vì vậy mà thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không đủ, rất dễ gây ra thiếu vitamin D, một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh còi xương và khiến trẻ mọc răng chậm. Trong trường hợp này, bố mẹ nên bổ sung vitamin D và canxi đầy đủ để phòng ngừa bệnh còi xương.
Để trẻ có một hàm răng khỏe mạnh, nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên về cách vệ sinh răng miệng cho trẻ như sau:
1. Cho dù trẻ chưa mọc răng cũng cần phải vệ sinh lợi và khoang miệng một cách sạch sẽ. Sau mỗi lần cho bú, bạn quấn gạc mềm hoặc khăn xô vào ngón tay trỏ, sau đó nhúng qua nước ấm rồi nhẹ nhàng lau phần lợi và khoang miệng cho bé.
2. Sau khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên, bạn vẫn phải duy trì thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ như trên. Phần lớn các bậc cha mẹ đều xem nhẹ “công tác” vệ sinh răng miệng này vì cho rằng đằng nào răng sữa cũng rụng khi bé lớn.
Thực tế là răng sữa tuy không có “tuổi thọ” cao nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập và cố định vị trí mọc răng vĩnh viễn sau này. Đồng thời răng sữa cũng là “trợ thủ” đắc lực cho trẻ khi học nói và nhai thức ăn.
3. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu sâu răng (màu sắc thay đổi, xuất hiện vết lõm, lỗ hổng…), nhất thiết không nên để trẻ bú bình.
4. Cho trẻ uống nước sau mỗi lần bú sữa. Phần lớn thức ăn của trẻ em đều có thể được “rửa trôi” theo nước nên đây có thể xem là cách đơn giản để giữ cho khoang miệng và chân răng của trẻ được sạch sẽ. Tuy nhiên các bác sỹ khuyên bạn vẫn nên sử dụng cả cách vệ sinh răng miệng cho trẻ như ở mục 1, đặc biệt là sau khi ăn đồ ngọt, đồ ăn có độ bám dính.