Ngay từ khi bắt đầu mang thai, cơ thể mẹ đã sẵn sàng cho việc tiết sữa, tuyến sữa hoạt động mạnh và căng ra khiến cho thai phụ luôn có cảm giác ngực đang căng to. Vì vậy, việc lựa chọn áo ngực sao cho phù hợp đối với từng giai đoạn của thai kỳ là rất quan trọng.
Giờ đây đang mang bầu đứa con thứ hai, Vân đã biết cách chăm sóc bản thân và chuẩn bị sẵn sàng để có được nhiều sữa sau khi sinh con. Nhớ lại lần mang thai đứa con đầu lòng, Vân còn thiếu kinh nghiệm nên đã không đủ sữa cho con bú. Lúc đó, dù bầu ngực đã phát triển hơn và gia tăng kích cỡ nhưng Vân không đi mua áo ngực mới mà vẫn dùng những chiếc áo sẵn có. Vân tự nhủ: “Đợi lúc nào to hẳn rồi mới mua chứ cứ to lên một tí lại mua thì không biết thế nào cho đủ, chỉ tổ tốn tiền”. Những chiếc áo ngực độn dày thắt chặt vào vòng một của cơ thể khiến Vân rất khó thở. Tuy vậy, Vân vẫn cố mặc để tiết kiệm. Nhưng Vân không ngờ rằng việc làm của mình đã gây sức ép lên vú khiến lượng sữa sẽ bị sụt giảm sau khi Vân sinh con.
Trong thời gian bầu bí, Vân cũng không để ý nhiều đến chế độ dinh dưỡng. Vì không bị nghén nhiều nên Vân thoải mái chọn lựa thức ăn, thích ăn gì thì ăn nấy. Công việc bận rộn cũng làm Vân không thể ăn uống đúng giờ và điều độ. Chính vì thế mà thời kỳ mang thai Vân chỉ tăng được 8kg. Vân cho rằng lên cân ít như thế thì lúc sinh xong càng đỡ phải lo khoản giảm cân, càng nhanh lấy lại vóc dáng.
Đến ngày sinh con, Vân sung sướng bế cô con gái xinh xắn trên tay ngắm nghía. Cô bé ngủ một lúc choàng tỉnh dậy khóc toáng lên. Mẹ chồng Vân bảo: “Chắc cô nàng đói rồi đấy!” rồi giục Vân cho con bú. Vân ngượng nghịu vén áo áp cô con gái vào bầu ngực. Nhưng mãi mà không thấy có sữa tiết ra. Cô bé lại tiếp tục khóc váng lên khiến Vân luống cuống không biết làm thế nào. Mẹ chồng Vân đành phải bế cháu dỗ dành mãi mà con bé không nín. Vân lo lắng không yên. Nhìn cô con gái khóc đỏ cả mặt, Vân xót con vô cùng.
Trong khi đó, các chị em cùng phòng sinh đều có sữa cho con bú. Vân đành bế con sang các giường xin cho con bú nhờ. May là họ có nhiều sữa nên ngoài cho con họ bú, vẫn còn dư cho con Vân. Kết quả là mấy ngày ở viện, con Vân đều phải đi “ăn chực”. Vân sốt ruột hỏi bác sĩ: “Chị ơi, sao em không có sữa như mọi người. Liệu em có vấn đề gì không?”. Bác sĩ đáp: “Không có sữa hoặc ít sữa là do chị không chuẩn bị sẵn sàng từ ngay lúc mang thai. Qua thăm khám thì tôi thấy là do chị đã mặc áo ngực chật và không ăn uống đủ dinh dưỡng nên cơ thể không có điều kiện tốt để có sữa”. Về đến nhà, Vân đã phải cố gắng điều chỉnh dinh dưỡng và ăn các thức ăn lợi sữa mới có sữa cho con bú nhưng không có nhiều. Vân rất ân hận vì đã không quan tâm chú ý để chuẩn bị có sữa cho con sau khi sinh.
Đến lúc có bầu đứa con thứ hai, Vân đã đến gặp bác sĩ xin tư vấn từ sớm. Bác sĩ đã khám ngực xem có gì bất thường xảy ra trước khi Vân cho con bú. Bác sĩ cũng khuyên Vân cần phải chuẩn bị sẵn bầu vú bằng cách mặc áo ngực phù hợp, thoa rửa núm vú sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh, mát xa vú để kích thích sự sản sinh nhũ tương sau này. Vân cũng được tư vấn mua các dụng cụ cần thiết khi cho con bú sữa mẹ như áo ngực đàn hồi, gối cho con bú, ống bơm sữa mẹ… Vân cũng đi học những lớp hướng dẫn cho con bú đúng cách, an toàn và thoải mái cho cả mẹ lẫn con.
Theo bác sĩ, mức tăng cân lý tưởng cho toàn thai kỳ đối với các bà mẹ có cân nặng trung bình là từ 10 – 12kg. Do đó, Vân cũng chú ý đến chế độ dinh dưỡng ngay từ lúc mang thai, ăn uống đủ chất và khoa học. Cứ thế, Vân tuân thủ nghiêm ngặt theo những hướng dẫn của bác sĩ và tự tin rằng cậu con trai nhỏ sắp ra đời sẽ không phải đi “ăn chực” như cô con gái đầu.