Bố mẹ có cần can thiệp vào tất cả các cuộc cãi cọ của con cái hay không? Khi thấy con có xung đột và sẵn sàng ‘chiến tranh’, bố mẹ cần làm gì để làm một ‘trọng tài’ công minh nhất? Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn hòa giải để con trẻ ‘tâm phục, khẩu phục’.
1. Can thiệp một cách bình tĩnh
Khi đang hiếu chiến, con sẽ chẳng quan tâm đến sự tức giận, lời đe dọa của mẹ như: “Ngưng lại ngay”, “Có thích ăn đòn không?”… Thế nhưng các ‘dũng sĩ’ có thể sẽ ‘hạ nhiệt’ và chịu nghe lời nếu bạn nói lời nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.
Mục đích chính là giúp cả hai con bình tĩnh lại. Sau đó, bạn cách ly hai bé, cho mỗi bé vào một phòng riêng. Bạn cho bé đếm từ một đến mười, xem phim hài hay ca nhạc. Khi cả hai đã “hạ hỏa”, bạn áp dụng những chiến lược tiếp sau đây.
2. Công bằng khi giải quyết ‘tranh chấp’
Điều tối kỵ nhất là bạn – ‘trọng tài’ của con lại thiên vị. Không phải lúc nào những cuộc cãi cọ giữa anh em, chị em trong nhà đều do đứa lớn gây ra. Nếu như bạn nhìn nhận chủ quan và thường xuyên bênh vực đứa nhỏ, yêu cầu đứa lớn phải nhường nhịn thì bạn đã tạo cho đứa lớn một áp lực vô hình. Và đó có thể là một nguyên nhân khiến đứa lớn thường ăn hiếp, bắt nạt đứa nhỏ hơn để giải tỏa những khó chịu, uất ức trong lòng vì chúng thấy không công bằng.
3. Kiềm chế tức giận
Khi phải can thiệp vào ‘trận chiến’ của trẻ, điều quan trọng nhất là bạn cần giữ thái độ điềm tĩnh. Nổi nóng và mất bình tĩnh như ‘ngòi nổ’ khiến trẻ càng hiếu chiến, bất cần và không chịu nghe lời. Hoặc, có nghe lời cũng chỉ là đối phó.
4. Chia đều tình thương
Cố gắng cho bé thấy tình thương được chia đều. Dạy bé rằng cha mẹ sẽ hạnh phúc nếu hai đứa thương yêu nhau.
5. Để con chí chóe 10 phút mỗi ngày
Nếu con bạn thường xuyên đấu đá và không chịu nhường nhịn nhau, mỗi tối bạn dành ra khoảng 10 phút, để cho những trẻ hay xích mích ngồi cãi cọ nhau. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tình hình được cải thiện một cách đáng kể, bởi chính trẻ sẽ nhận ra ‘Thật ngớ ngẩn khi phải cố nghĩ cớ đấu đá nhau”.