Niềm vui được nhân đôi nhưng khó khăn vốn đã nhiều lại càng thêm chồng chất. Mang thai đôi khiến cho bà bầu căng như dây đàn, cảm thấy cạn kiệt sức lực. Nguyên nhân là do những rắc rối có thể nảy sinh khi bạn mang đa thai. Vậy làm thế nào để bảo vệ bà mẹ mang thai đôi?
“Ngày đầu đi khám được biết đang mang thai đôi mình vui lắm! Mong ước của mình trước giờ là có được hai bé sinh đôi. Nhưng bác sĩ lại nhìn mình lo ngại bảo, sức khỏe mình không ổn định như bao bà mẹ khác, khả năng rủi ro khá lớn, có thể dẫn đến mẹ không chịu được hoặc phải mất một trong hai đứa con…. Mình cảm thấy vô cùng lo sợ”, đó là lời của chị Thu Trân (Bình Định) khi mang cặp song thai được khoảng 4 tháng tuổi.
Nỗi lo của thai phụ khi mang thai đôi rất phổ biến, nhất là đối với những phụ nữ ở độ tuổi từ 30 – 40, khi khả năng sinh đôi lại cao hơn nhiều so với bình thường. Và với nhiều thai phụ đang mang hai sinh linh bé bỏng trong cơ thể, dù có chuẩn bị kỹ về tinh thần đến đâu, thì có thể vẫn còn ít nhiều điều bạn chưa hiểu rõ về thai kỳ của mình.
Sinh non
Có tới 60% trẻ sinh đôi và 90% trẻ sinh ba ra đời sớm hơn dự tính (trước tuần thứ 37 thai kỳ). Trung bình, thai kỳ của các bà bầu sinh đôi chỉ diễn ra trong khoảng 35 tuần, trong khi bà mẹ sinh ba còn 33 tuần và bà mẹ sinh bốn chỉ còn 29 tuần.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của bé. Vì chưa đủ tháng nằm trong bụng mẹ nên bé chưa sẵn sàng đối diện với thế giới bên ngoài. Phổi, não, và các bộ phận trong cơ thể có thể chưa được hoàn thiện và hệ miễn dịch chưa đủ khả năng đánh bại các bệnh viêm nhiễm.
Thậm chí, bé sẽ không có đủ khả năng để hút hoặc nuốt thức ăn. Vì vậy, người mẹ mang thai đôi phải cẩn trọng hơn gấp nhiều lần trong thai kỳ và nếu bé sinh ra quá sớm, cần phải chăm sóc đặc biệt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Những đứa trẻ song sinh chắc chắn không có cân nặng như trẻ bình thường. Đó là do cơ thể mẹ phải chia dinh dưỡng cho cả hai đứa con nên chúng sẽ không hấp thụ đầy đủ như khi chỉ sinh một bé. Vì vậy, trẻ có xu hướng gặp vấn đề sức khỏe nhiều hơn và thời gian chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện cũng kéo dài hơn nhiều.
Sảy thai
Đây là nỗi sợ kinh hoàng nhất của các bà bầu, nhất là bà bầu mang đa thai. Vì nhiều khả năng sẽ không giữ được một trong hai đứa trẻ.
“Bốn năm trước mình mang thai đôi nhưng đến tháng thứ hai thì mình bị sảy thai và chỉ giữ được một bé. Mình suy sụp rất nhiều và may mắn là, sau những nỗ lực, mình cũng sinh được bé khỏe mạnh”, chị Hoài Thương (Đắc Lắc) chia sẻ.
Khả năng mất một bé trong cặp song sinh xảy ra không hiếm đối với các thai phụ, đặc biệt với những người không đủ sức khỏe hoặc lớn tuổi. Nhưng một điều an ủi với các bà bầu mang song thai là chuyện sảy thai một con thường chỉ xảy ra trong những tháng đầu thai kỳ và đứa bé còn lại vẫn có khả năng phát triển khỏe mạnh bình thường.
Nhưng nếu mẹ sảy thai trong tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, bé còn lại có nguy cơ bị kìm hãm tăng trưởng trong tử cung và người mẹ cũng tăng khả năng sinh non, nhiễm trùng hoặc xuất huyết. Sau tuần thứ 20, việc sảy thai với những thai nhi cùng chung nhau thai sẽ rất nguy hiểm cho bé còn lại.
Đừng vội chủ quan khi bạn vẫn khỏe mạnh tới ngày sinh vì vẫn có khả năng một trong hai bé sinh đôi không thể giữ được ngay khi sinh. Trong vài trường hợp hiếm hoi, người mẹ phải loại bỏ thai đã chết trong bụng vài tuần trước khi sinh bé còn lại.
Những vấn đề khác
Bên cạnh nỗi sợ mất con, người mẹ còn phải đối mặt với những khó khăn về sức khỏe như:
Tiền sản giật: Sự rối loạn do huyết áp cao và lượng protein trong nước tiểu xảy ra ở 10 – 15% bà bầu mang đa thai. Không chỉ vậy, tình trạng này cũng có xu hướng phát triển sớm và khi bắt đầu, nó có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng.
Tiểu đường thai nghén: Tỉ lệ xảy ra bệnh này cao hơn nhiều ở thai phụ đa thai. Khi phát hiện ra triệu chứng, bạn cần nhờ bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, bạn cần có chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp, đều đặn và có thể tiêm insulin nếu cần thiết. Nếu không kiểm soát chặt chẽ tình trạng của cơ thể thì có thể cả bạn và bé đều phải đối diện với hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Tách nhau non: Hiện tượng tách nhau khỏi thành tử cung trước khi sinh có nguy cơ xảy ra nhiều hơn đối với bà bầu sinh đôi. Nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ở nửa sau thai kỳ và có thể dẫn tới các vấn đề sinh trưởng của bé, sinh non, thậm chí xảy ra.
Bảo vệ bà mẹ mang thai đôi
Thực tế là những rắc rối của việc sinh đôi không phát sinh từ hành vi hay lối sống của bà bầu nên bạn cũng không thể làm gì để ngăn chặn chúng. Nhưng để theo dõi tình trạng bản thân cũng như dự đoán được các tình huống, bạn nên thường xuyên đến thăm bác sĩ.
Tìm hiểu thật kỹ về những rủi ro trong khi mang thai đôi nhưng bạn đừng quá lo lắng về chúng. Hãy học về triệu chứng sinh non để có thể kiểm soát tình huống và đừng quên chăm sóc bản thân với đầy đủ dinh dưỡng.
Điều này không chỉ cho riêng bạn mà cả tới hai đứa bé trong bụng đấy. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi, đau nhức, bạn có thể xin nhập viện sớm để được chăm sóc tốt hơn. Tuy điều đó không ngăn chặn khả năng sinh sớm nhưng có khả năng tăng cân nặng của bé sơ sinh.