Có những điều tốt đẹp bé thường thể hiện như vui vẻ, bất ngờ, hạnh phúc… Nhưng cũng có những điều không hay như cáu giận, buồn phiền… Tất cả những cảm xúc này sẽ là tài sản quý báu mà các ông bố bà mẹ rất cần lắng nghe. Vậy các bậc cha mẹ cần phải làm gì để giúp con thể hiện đúng cảm xúc của mình?
Hạnh phúc, giận dữ, sợ hãi, phấn khích… có bao nhiêu loại cảm xúc bạn đã trải nghiệm trong cuộc sống? Và khi trưởng thành chúng ta biết cách để kiểm soát những cảm xúc đó.
Tuy nhiên trẻ em không như vậy, chúng vô cùng “tinh khiết” nên không dễ dàng để có thể kiềm chế những xúc cảm của mình. Đây là lý do tại sao mà con trẻ cần được cha mẹ dạy bảo để có thể lắng nghe và trân trọng những cảm xúc của mình như một kho báu.
Cảm xúc là những tín hiệu sinh lý, ngoài tầm kiểm soát của bản thân mỗi người. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta không thể kiếm chế được cảm xúc? Sẽ thế nào nếu con bạn không biết thể hiện cảm xúc? Hoặc chính trong tâm tưởng của chúng đã hình thành lên hai thái cực khác nhau về cảm xúc và khi biểu hiện ra ngoài chúng ta không thể nắm bắt được?
Các bậc cha mẹ cần phải làm gì để giúp con thể hiện đúng cảm xúc của mình? Đầu tiên cần gợi lại trong con những xúc cảm đầu đời: những niềm vui trong quá khứ của con mà chắc chắn đến giờ con vẫn còn nhớ, ví dụ: cảm giác lần đầu đến bể bơi, niềm hạnh phúc bất ngờ khi được ba tặng món đồ chơi yêu thích… hay nỗi sợ hãi khi phải tới nhà trẻ… Gợi nhớ những điều này cũng là cách để cho con có thể ghi nhớ những cảm xúc nguyên sơ đầu tiên kể cả khi con đã lớn.
Việc giúp con thể hiện đúng cảm xúc của bản thân là một trách nhiệm lớn của cha mẹ. Cần phải có một mối ràng buộc nhất định với những cảm xúc tuyệt vời của con từ thời thơ ấu. Đó chính là cái nôi để tìm hiểu những niềm vui nỗi buồn của trẻ, khi mà chúng đã lớn hơn hoặc khi chúng muốn che giấu cảm xúc của mình. Vì khi đó bạn đã biết được những biểu hiện trước đây của con ra sao.
Khi có điều gì đó làm con sợ hãi chúng ta nên làm gì? Bạn cần dạy cho trẻ rằng: Trong một số trường hợp , cảm xúc này là điều cần thiết để tránh gặp phải những nguy hiểm. Còn một số điều lo ngại khác con có thể giải quyết được. Ví dụ nếu con sợ hãi bóng tối thì con nên làm gì? Con chỉ cần bật đèn sáng lên để thấy rằng không có mối đe dọa nào rình rập cả. Điều quan trọng là bạn không được đánh giá cảm xúc này như một dấu hiệu yếu kém bởi nếu như vậy bé sẽ trở nên xấu hổ, tự ti và lần tới có thể con sẽ không thể hiện nỗi sợ hãi với bạn nữa.
Còn trong trường hợp bạn chứng kiến gương mặt rạng ngời hạnh phúc của con, bạn nên thể hiện tâm trạng ra sao? Thật sai lầm nếu bạn cho rằng cảm xúc này là bình thường, hiển nhiên. Khi nhận thấy niềm hạnh phúc của bé, bố mẹ nên chia sẻ cảm xúc đó với con. Bởi lúc đó xúc cảm này sẽ được vun trồng và phát triển không chỉ cho con mà còn cho cả bố mẹ nữa.
Điều quan trọng và cần thiết là hãy lắng nghe con và tập suy nghĩ theo cách của con lúc đó cha mẹ sẽ không chỉ là người sinh ra và nuôi lớn con mà còn là người bạn chia sẻ cùng con.