Trong Đông y lá tía tô cũng là một loại thuốc, có tác dụng giải cảm. Với người có thai, việc dùng tía tô trong vòng 2-3 ngày để chữa cảm cúm cũng rất tốt. Tuy nhiên, nếu dùng dài ngày đặc biệt, dùng thay nước uống hằng ngày thì lại gây hại.
Gần đến ngày sinh, chị Lâm (29 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện để làm thủ tục đăng ký đẻ. Thấy huyết áp cao, các bác sĩ đã chuyển chị đến khoa Sản, BV Bạch Mai để theo dõi. Tại đây, các bác sĩ yêu cầu chị nhập viện ngay, sáng hôm sau hội chẩn, mổ gấp để lấy con ra.
“Tôi cũng không hiểu vì sao mình bị huyết áp cao. Có người nói là tại tôi uống nước lá tía tô triền miên suốt 2 tháng nên huyết áp mới vọt lên như thế”, chị nói.
Những trường hợp thai phụ uống nước lá tía tô như trên không phải là hiếm. Nhiều người còn rỉ tai nhau uống loại nước này khi đau đẻ sẽ giúp chuyển dạ dễ dàng hơn. Chỉ cần gõ từ khóa này trên mạng sẽ có hàng loạt các trang web, diễn đàn đưa ra các bài viết về kinh nghiệm của người đi trước.
Theo một thai phụ thì bản thân chị sau 10 giờ đau đớn, được chồng đưa cho uống cũng chuyển dạ sau 30 phút. Chị tin tưởng rằng việc chuyển dạ diễn ra ngay là nhờ uống nước lá tía tô. Thậm chí có người còn cho rằng bà bầu nên uống ngay từ tháng thứ 8, mỗi ngày 1 ly cũng giúp mềm cổ tử cung và giúp cổ tử cung mở nhanh hơn khi sinh nở.
Theo BS Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Châm cứu Trung ương (Hà Nội), trong thai kỳ nói chung, cơ thể thai phụ đã nóng, nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp. Trong Đông y lá tía tô cũng là một loại thuốc, có tác dụng giải cảm. Với người có thai, việc dùng tía tô trong vòng 2-3 ngày để chữa cảm cúm cũng rất tốt. Tuy nhiên, nếu dùng dài ngày đặc biệt, dùng thay nước uống hằng ngày thì lại gây hại.
“Đối với thai sản, trong Đông y truyền thống, chỉ thấy nói đến tác dụng an thai. Chủ yếu là dùng cành tía tô để chữa động thai. Chúng tôi chưa thấy y thư cổ nói đến tác dụng ‘giúp dễ đẻ’ của lá tía tô”, lương y Đỗ Tất Hùng nói.
Theo ông đây là một kinh nghiệm, có thể thích ứng với một số người nào đó. Tuy nhiên, để áp dụng cho tất cả mọi người, cần khảo sát, nghiên cứu đầy đủ hơn. Tác dụng của Đông dược nói chung không chỉ đơn thuần do thành phần hóa học của vị thuốc quyết định mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái sinh lý và bệnh lý của cơ thể, cũng như cơ địa của từng người… Có vị thuốc (hoặc thức ăn) rất tốt với một người nào đó, nhưng người khác sử dụng lại không hợp. Khi không có bệnh chỉ nên dùng tía tô như một gia vị, giúp ăn ngon và chống lạnh.
Tía tô vừa dùng làm thức ăn vừa dùng làm thuốc. Theo Đông y, lá và cành non cho vị thuốc tử tô, có vị cay, tính ấm, được xếp vào loại thuốc chữa cảm lạnh. Ngoài ra, nó còn có dùng để chữa các chứng đầy bụng, ho, giải độc tôm cua, giải độc mật cá, nôn mửa…, lương Y Hùng cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo nếu dùng vị thuốc này lâu ngày có thể khiến người mệt mỏi, kém ăn, thở nông, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ… Chú ý, không dùng tử tô trong trường hợp cảm nóng, người nhiều mồ hôi sử dụng cần thận trọng.
Các chuyên gia khuyến cáo, bản thân lá tía tô là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì khi sử dụng để chữa bệnh phải có chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt là với thai phụ. Mọi người không nên tự ý dùng bừa bãi.