Viêm ruột thừa lúc mang thai tuy ít gặp nhưng gây ra nhiều hậu quả và biện chứng nặng nề. Những biến chứng có thể gặp là nhiễm khuẩn vết mổ, apxe ổ bụng, nhiễm khuẩn máu, sảy thai, đẻ non (nếu viêm phúc mạc RT tỷ lệ đẻ non có thể 27%). Chính vì vậy, mẹ bầu hãy đi khám ngay nếu bạn cảm thấy có những triệu chứng bất ổn nhé.
Vợ chồng Hoàn mới cưới nhau được gần 4 tháng. Chẳng hiểu sao mấy hôm gần đây lúc nào Hoàn cũng thấy mệt mỏi trong người, chán ăn và chỉ buồn ngủ. Cô có thể ngủ bất cứ lúc nào, thậm chí có hôm đang ngồi xem phim cùng bố mẹ chồng mà cô cũng ngủ gật. Tối hôm ấy ngồi vào bàn ăn cơm, nhìn thấy món thịt gà quay thơm phức, nóng hổi, Hoàn cảm thấy lợm lợm cổ họng rồi chạy vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo. Thấy nghi nghi, Hoàn liền chạy ra hiệu thuốc mua que thử thai. Kết quả là họ đã có tin vui, chẳng bao lâu gia đình cô sẽ chào đón thêm một thành viên mới.
Vài ngày sau, trong khi cô đang làm việc ở cơ quan, cơn buồn nôn kéo đến liên tục khiến cô cảm thấy rất khó chịu và mệt mỏi. Đầu hâm hấp sốt, môi khô, lưỡi bẩn, cô nghĩ có lẽ mình bị cảm lạnh. Cố gắng ngồi thêm một chút nữa cho hết giờ làm việc nhưng bụng cô đau âm ỉ. Uống nước ấm, xoa dầu nhưng không thấy hiệu quả. Vừa khó chịu lại vừa lo lắng cho đứa con mới thành hình của mình cô bèn gọi chồng đến đón và đưa đi bệnh viện khám.
Cả hai vợ chồng cô sửng sốt khi nghe bác sĩ kết luận cô bị viêm ruột thừa, cần phải phẫu thuật sớm. Chính vì triệu chứng gần như nghén nên cô không phân biệt được, may mà đến khám kịp thời, nếu không phát hiện sớm thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào. Chỉ nghĩ đến đây thôi cô đã thấy sợ toát mồ hôi rồi.
Hoàn là một trong rất nhiều trường hợp khi mang thai bị viêm ruột thừa. Chính vì vậy, khi chuẩn bị sinh em bé hoặc đang mang thai chị em nên tìm hiểu về các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm ruột thừa để kịp thời phát hiện ra sớm, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Sau đây Hanhphucgiadinh.vn xin giới thiệu với chị em biểu hiện lâm sàng của bệnh tùy thuộc vào tuổi thai và những ảnh hưởng của viêm ruột thừa với mẹ và thai nhi.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh tùy thuộc vào tuổi thai
Trong 3 tháng đầu thai kỳ
Lúc này tử cung còn nhỏ, chưa có nhiều thay đổi về giải phẫu, nhưng do có thai nên có một số rối loạn cơ năng như triệu chứng nghén làm che mất triệu chứng của viêm ruột thừa.
- Sốt: Sốt không cao, nhiệt độ >= 380C, liên tục.
- Mạch nhanh (>100 lần / phút).
- Buồn nôn và nôn: Rất dễ nhầm với triệu chứng nghén.
- Đau bụng: Lúc đầu đau quanh rốn, sau khu trú vùng hố chậu phải, đau âm ỉ, không dữ dội đột ngột.
- Không ra máu âm đạo.
- Toàn thân có hội chứng nhiễm trùng: Môi khô, lưỡi bẩn.
- Khám bụng: nắn vùng hố chậu phải bệnh nhân rất đau và có phản ứng rõ.
Trong 6 tháng cuối thai kì
Giai đoạn này tử cung to, ruột thừa bị đẩy lên cao và ra ngoài sát thành bụng nên các triệu chứng không điển hình.
- Sốt: Thai phụ sốt cao từ 38,50 – 390C
- Mạch nhanh (>100 lần / phút)
- Đau bụng: Vị trí đau cao hơn bình thường, có khi đau ở vùng hạ sườn phải, đau tăng dần và ngày càng nặng nề hơn.
- Rối loạn tiêu hóa: Bụng chướng, bí trung đại tiện, có thể ỉa chảy.
- Toàn thân: Hội chứng nhiễm trùng rõ, môi khô, lưỡi bẩn.
- Khám: Có thể có cơn co tử cung do tử cung bị kích thích, nắn bên phải thai phụ rất đau đặc biệt là khi nằm nghiêng sang trái.
- Khám sản khoa: Không thấy ra máu âm đạo, không có dấu hiệu chuyển dạ đẻ.
Ảnh hưởng của viêm ruột thừa đối với mẹ và thai nhi
Đối với mẹ:
- Nếu được chuẩn đoán sớm, kịp thời phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa (mổ mở hoặc nội soi) thường mang lại kết quả tốt cho mẹ và thai.
- Nếu chuẩn đoán muộn, viêm ruột thừa cấp sẽ chuyển thành apxe ruột thừa, vỡ mủ dễ gây tử vong cho mẹ, hoặc gây vô sinh thứ phát.
Đối với thai nhi:
- Viêm ruột thừa thường dẫn đến sảy thai, đẻ non, thai chết lưu hoặc nhiễm trùng sơ sinh lúc đẻ.
- Viêm ruột thừa lúc mang thai tuy ít gặp nhưng gây ra nhiều hậu quả và biện chứng nặng nề. Những biến chứng có thể gặp là nhiễm khuẩn vết mổ, apxe ổ bụng, nhiễm khuẩn máu, sảy thai, đẻ non (nếu viêm phúc mạc RT tỷ lệ đẻ non có thể 27%).
- Quản lý thai, khám thai định kỳ phát hiện sớm những biểu hiện bất thường để chẩn đoán và điều trị kịp thời để không gây biến chứng nặng nề cho sản phụ và thai nhi.