Đều là công nhân tại KCN Nam Thăng Long (Hà Nội), khi con được 7 tháng tuổi hai vợ chồng chị Trang đành phải cho con về quê cùng bà nội ở Thanh Hóa. Cuộc sống theo ca kíp khiến hai anh chị thu xếp về thăm con một tháng một lần cũng không phải là chuyện dễ dàng. Vậy là đứa trẻ cứ thế lớn lên cùng ông bà và tha lê với lũ trẻ con hàng xóm.
Không đủ điều kiện thuê “osin”, nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn cách gửi con nhỏ về quê nhờ cậy ông bà. Trong số đó, không ít đã phải khóc dở mếu dở khi bất lực, không dạy được con! Các chuyên gia tâm lý cho rằng từ 0 – 3 tuổi là độ tuổi trẻ cần được ở gần bố mẹ hơn bao giờ hết. Một khi bị thiếu hụt, bậc cha mẹ sẽ khó có thể bù đắp được….
Không nhận ra con mình
Đều là công nhân tại KCN Nam Thăng Long (Hà Nội), khi con được 7 tháng tuổi hai vợ chồng chị Trang đành phải cho con về quê cùng bà nội ở Thanh Hóa. Cuộc sống theo ca kíp khiến hai anh chị thu xếp về thăm con một tháng một lần cũng không phải là chuyện dễ dàng. Vậy là đứa trẻ cứ thế lớn lên cùng ông bà và tha lê với lũ trẻ con hàng xóm.
Tới một ngày về thăm con, chị Trang tá hỏa khi nghe bà nội kể chuyện thằng bé biết nói tiếng đầu tiên như một thành tích: “Hôm trước mẹ gọi Bill ơi, tự dưng nó nói: “chứt”, rồi giờ hỏi gì nó cũng bảo “chứt”. Tìm hiểu mãi Trang mới biết, trong đám trẻ hàng xóm thường chơi với con mình, có một thằng bé mắc bệnh tâm thần, ai nói gì, gọi gì cũng chỉ biết mỗi từ “chứt” (nói ngọng của từ C…). Giờ đây, con chị vô tình học theo thành câu cửa miệng…
Ngược lại, dù hai vợ chồng đều thành đạt làm trong tập đoàn lớn, nhưng chị Linh vẫn buộc phải mang hai cô con gái sinh đôi lên 2 về ở với bà nội tại Ninh Bình với lý do con hay ốm. Cứ nửa tháng hai vợ chồng mới về thăm con một lần. Thấy các con ăn ngoan, không ốm đau vặt vãnh, vợ chồng chị Linh lại càng thấy yên tâm đi về trong chốc lát.
Ngày tết thiếu nhi, chị Linh cho con ra Hà Nội đi chơi. “Khi tất một bé bị bẩn, con lại giơ chân lên vừa đánh vừa chửi ngoa ngoắt lập đi lập lại: ĐCM mày! Thấy vậy, đứa thứ hai cũng bắt chước làm y như con chị…tôi không còn nhận ra con mình nữa!” chị Linh kể.
Chưa hết, khi về tới nhà, bạn đồng nghiệp của chị Linh qua chơi. Thấy đĩa hoa quả bày trên bàn, bà bạn vừa định đưa tay ra cầm một miếng để ăn thì cô chị chạy lại chộp lấy tay bảo: “Không cho ăn”. Thấy vậy, chị Linh liền quát con rồi bế ra chỗ khác. Bỏ qua lỗi con trẻ, chị bạn lại tiếp tục đưa miếng hoa quả vào mồm. Lúc này cả 2 cô con gái của Linh đều gào khóc xông vào cạy mồm khách bắt nhè ra bằng được!
Sáng hôm sau, một lẫn nữa Linh ngã ngửa khi bắt gặp con vừa quát vừa đá con chó: “ĐCM mày! Cho mày chết đi ai bảo mày ngu đi cắp giày mẹ tao”! Con bé nói vậy mà mặt lạnh tanh, khiến vợ chồng Linh giận tím mặt liền quát con là hư, láo, không được nói vậy thì cả đôi lăn ra sân la khóc ầm ĩ.
Không ai dạy con tốt hơn người mẹ
Nói về những câu chuyện “cười ra nước mắt” này, TS Hồ Văn Hoành, Phó chủ tịch TƯ Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam phân tích: 6 năm đầu đời của một đứa trẻ có thể coi là độ tuổi vàng cho sự phát triển về thể lực và trí tuệ và cảm xúc. Trong đó, từ 0 – 3 tuổi là độ tuổi đứa trẻ cần được ở gần bố mẹ hơn bao giờ hết. “Độ tuổi này hình thành sự gắn kết tình cảm cha mẹ, con cái. Nếu bị thiếu hụt, sẽ khó có thể bù đắp được ngay cả đứa trẻ có được ông bà yêu thương đến đâu” TS Hoành nói.
Về phía bậc sinh thành, Th.S Đỗ Doãn Hải (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng cha mẹ phải tìm cách vượt mọi khó khăn để thu xếp cho con được sống với mình, nhất là khi các cháu còn quá nhỏ.
“Không ai có thể chăm sóc nuôi dạy cháu bé tốt hơn người mẹ. Thực tế cho thấy có một số các bạn trẻ ngày nay thường hay ỉ lại vào ông bà, lấy lí do bận bịu công việc và cuộc sông nhiều khó khăn… Như vậy các bạn đã tự làm mất đi niềm hạnh phúc của con và của chính bản thân mình” Th.S Hải nói.
Còn theo Th.S Nguyễn Thanh Hoa, Giảng viên tâm lý (ĐH Khoa học xã hội Nhân văn), thì cho rằng: “Khi quyết định gửi con về cho ông bà nuôi, các bậc cha mẹ phải cân nhắc kỹ hoàn cảnh, tính cách của trẻ và khoảng thời gian cần thiết. Nếu trường hợp bắt buộc phải gửi con, bố mẹ cũng phải có những trao đổi thẳng thắn với ông bà về cách dạy con”.
Cũng theo Th.s Hoa, bố mẹ phải thường xuyên liên hệ với con bằng bất kỳ hình thức nào có thể như: gọi điện, về thăm, gửi quà…và nhờ ông bà gợi nhắc đến bố mẹ thường xuyên trong mỗi câu chuyện với con để con có thể thấy được sự hiện diện của mình trong cuộc sống của nó. Có như thế, những bậc cha mẹ mới không bị rơi vào bi kịch “mất con bất đắc dĩ”!