Cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy, trẻ trong độ tuổi 2-3 có rủi ro bị ngộ độc do uống thuốc cao hơn gần 10 lần do chúng ở trong độ tuổi bắt đầu bắt chước một cách tự nhiên hành vi của những người lớn xung quanh mình. Do vậy, các nhà nghiên cứu Anh khuyến cáo phụ huynh và điều dưỡng không nên uống thuốc trước mặt trẻ em, để tránh trẻ có thể bắt chước họ và bị ngộ độc.
Tiến sĩ Elizabeth Orton thuộc Đại học Nottingham cho biết, các bác sĩ gia đình cần cảnh báo các bậc cha mẹ về việc cất giữ an toàn thuốc men và các sản phẩm gia dụng có thể gây nguy hiểm khác trong một nỗ lực nhằm giảm số ca ngộ độc ở trẻ trong độ tuổi mẫu giáo.
Bà Orton cho biết: “Tình trạng ngộ độc có thể gây tổn hại đáng kể cho trẻ và khiến các bậc cha mẹ phải lo lắng, tuy nhiên nó có thể phòng ngừa được. Các bậc cha mẹ cũng cần biết rằng chuyện trẻ con bỏ các đồ vật vào miệng là bình thường, vì thế điều quan trọng là thuốc men và các chất độc hại khác như sản phẩm tẩy rửa hoặc xà phòng nên được cất giữ ngoài tầm với của chúng, lý tưởng nhất là trên kệ cao và trong tủ bếp có chốt cửa hoặc khóa”.
Tiến sĩ Orton đã phân tích các dữ liệu được nghiên cứu trên trẻ em từ năm tuổi trở xuống, chào đời trong khoảng thời gian từ tháng 1/1988 đến tháng 11/2004, từ cơ sở dữ liệu với 3,9 triệu hồ sơ bệnh nhân thuộc Mạng lưới cải thiện sức khỏe Anh.
Cuộc nghiên cứu cho thấy, trẻ trong độ tuổi 2-3 có rủi ro bị ngộ độc do uống thuốc cao hơn gần 10 lần do chúng ở trong độ tuổi bắt đầu bắt chước một cách tự nhiên hành vi của những người lớn xung quanh mình.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san The British Journal of General Practice số ra mới nhất.