Các bậc phụ huynh cần tránh 6 câu nói phổ biến dưới đây để không gây ra những tổn thương về mặt tâm lý cho trẻ ở tuổi dậy thì.
1. “Con béo ra/gầy đi đấy à?”
Bạn hẳn là người rất lười đọc mới không biết đến những cảnh báo về việc không nên đề cập với con cái tuổi 11 trở đi (đặc biệt là con gái) về cân nặng hay thói quen ăn uống của nó. Bọn trẻ tuổi này đã bắt đầu để ý đến hình thức, nếu bạn chê con béo, nó sẽ coi đó là xấu và hình thành thói quen nhịn ăn để được đẹp hơn. Như vậy không tốt cho một cơ thể đang trong giai đoạn phát triển.
Nếu con bạn đi học xa nhà lâu lâu mới về, nghe câu nói này của bạn, nó cũng không cảm thấy thoải mái. Cháu tôi viết thế này trên Facebook: “Vừa về nhà 5 phút. Mẹ hỏi lên cân đấy à?”. Các bạn của nó vào bình luận rất nhanh: “mẹ tớ cũng nói thế”/ “tớ không nói lại là mẹ béo”.
Thay vì bình luận về hình thức, bạn đơn giản hãy nói: “Mẹ vui khi thấy con về nhà. Mẹ thực sự rất nhớ con”.
2. “Cái gì trên mặt con thế?”
Trong mắt chúng ta, con cái luôn hoàn hảo, hoặc gần như hoàn hảo. Bởi thế, bất cứ thay đổi nào ở chúng, mà theo quan điểm của cha mẹ là lố bịch, thì cũng có thể gây sốc. Nhưng nếu bạn hỏi con câu này, bọn trẻ sẽ nghĩ “lại bắt đầu đây, lại ca thán về diện mạo của mình”.
Thay vào đó bạn nên nói gì? Chẳng nói gì cả. Hãy tôn trọng quyền cá nhân của con.
Tuy nhiên, nếu con bạn xuất hiện với kiểu tóc, cách ăn mặc thực sự kỳ dị, khác hẳn so với tính cách thường ngày của nó, thì bạn quan tâm hỏi han là chuyện bình thường. Nếu con không muốn nói về điều này, hãy cho qua, trừ phi bạn có những nghi ngờ rõ hơn về chuyện xấu nào đó đang xảy ra với nó.
3. “Sao con không thường xuyên nhắn tin, gọi điện?”
Định nghĩa về “thường xuyên” của các bậc cha mẹ và con cái có thể rất khác nhau. Trong khi cha mẹ luôn mong ngóng và muốn kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi thì con của bạn có khi đang dở việc khác cần làm hoặc mải vui với bữa tiệc sinh nhật bạn mà chưa kịp mở máy gọi về cho mẹ. Cách tốt nhất là kiên trì, và khi số máy của con hiện lên trên máy bạn, hãy nghĩ rằng “thằng bé/con bé đã gọi” và đừng lên giọng phàn nàn.
4. “Thế càng tốt”/ “Thằng đấy là thằng đểu”
Đừng bao giờ nói những điều tiêu cực về người bạn khác giới mà con bạn yêu quý, cho dù hai đứa chúng nó không còn chơi với nhau, và đặc biệt khi chúng có “thói quen” bỏ nhau rồi quay lại.
Tôi biết điều đó với bạn không dễ dàng, bởi thật khó lòng nhìn ai đó đối xử với con mình không tốt, cho dù con bạn đã lớn, đã biết tự bảo vệ bản thân mình. Đó là bản năng của người làm cha làm mẹ. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu cha mẹ nói không hay về bạn con? Có thể bọn nhóc sẽ nói lại với nhau sau khi đã làm lành. Có lẽ bạn nên kiên nhẫn thêm 1-2 tháng mới nên chính thức có lời “bình luận”.
Câu bạn nên nói trường hợp này: “Con đang cảm thấy thế nào? Con có muốn nói chuyện này không? Mẹ luôn ở cạnh con”.
5. “Sao con có thể sống như thế này?”
Các bậc cha mẹ có thể phát sốt lên khi thấy con bừa bộn mất vệ sinh, phòng cả tuần không hề dọn, bát đĩa ăn xong không chịu rửa… Thế này nhé, cho dù con bạn lớn lên đã là đứa chăm chỉ hay lười biếng chẳng bao giờ nhúc nhích một ngón tay vào việc nhà, thì nó vẫn có quan điểm riêng về giữ gìn vệ sinh. Và luôn có hy vọng là khi lớn lên, có công việc riêng, gia đình riêng, có con cái, tự chúng sẽ bắt đầu biết giặt ga trải giường thường xuyên hơn.
6. “Con còn trông chờ gì ở bố/mẹ nữa?”
Đứa trẻ lớn xác kia là con bạn, và mọi đứa con đều trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ sửa sai từ cha mẹ chúng, khi chúng mất việc, khi bị người yêu bỏ, khi cãi nhau với bạn bè, khi bị ong đốt v.v. Bạn chỉ nên cảm thấy phiền lòng, thậm chí là lo lắng, nếu con không còn cầu cứu bạn, điều đó có nghĩa chúng đã ra khỏi vòng tay cha mẹ và không còn tin bạn nữa rồi.
Câu bạn nên nói trong trường hợp này: “Bố/mẹ có thể làm gì để giúp con?”