Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ và cho mọi người, ngay từ khi trẻ còn nhỏ cha mẹ cần dạy trẻ biết cách tham gia giao thông một cách an toàn ngay từ việc đi bộ trên đường đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh trong vấn đề này.
1. Dạy trẻ nhận biết các phần đường dành cho người đi bộ
Cha mẹ có thể dạy trẻ nhận biết phần đường dành cho người đi bộ thông qua các tranh ảnh, loto về giao thông đường bộ. Thông qua tranh ảnh cha mẹ chỉ cho trẻ biết đâu là vỉ hè, đâu là phần đường dành cho người đi xe oto, xe máy, xe đạp, đâu là phần đường dành cho người đi bộ và giải thích cho trẻ tại sao phải tuyệt đối tuân theo các quy định đó.
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, những lúc cùng trẻ ra đường, người lớn nên chỉ cho trẻ thấy các phần đường dành cho các loại phương tiện, nói với trẻ phần đường nào dành cho trẻ khi trẻ đi bộ.
2. Dạy trẻ đi bộ an toàn
Dạy trẻ ra đường phải đi trên vỉ hè vốn dành riêng cho người đi bộ, kể cả khi vỉ hè bị xe cộ hoặc các hàng quán lấn chiếm, trẻ cũng phải chịu khó luồn lách mà đi, không chạy xuống lòng đường.
Nếu đường không có vỉ hè dành riêng cho người đi bộ thì bạn cần hướng dẫn trẻ đi sát vào bên phải mép đường và chú ý quan sát trước sau.
Dạy trẻ dứt khoát không được chạy nhảy, chơi đùa dưới lòng đường cũng như trên vỉ hè của các tuyến đường dành cho các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là nơi nhiều xe qua lại.
3. Dạy trẻ đi bộ qua đường an toàn
Ở thành phố các bậc phụ huynh cần dạy trẻ có ý thức chỉ qua đường ở những nơi quy định (có vạch kẻ đường) và tuyệt đối chấp hành các tín hiệu giao thông. Ở những tuyến đường nào không có quy định điểm qua đường thì càng cần phải cẩn thận hơn khi chọn điểm vắng xe để qua và chú ý quan sát các làn xe chạy bên phải (tập trung hơn về hướng này) và đồng thời cũng để ý bên trái xem có xe nào đang tiến đến không.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đợi đến khi có ít xe chạy, có một quãng đường vắng đủ dài mới được sang đường, khi sang được phải đi từ từ vừa đi vừa nhìn đường, giơ tay xin đường để báo hiệu cho người đi đường biết mình đang đi qua đường, tuyệt đối không chạy một mạch sang bên kia đường vì như thế rất nguy hiểm.
Trường hợp đường quá đông, có một vài người cũng đang cùng sang đường với trẻ thì cha mẹ hướng dẫn trẻ nên đi cùng họ để theo một đoàn cùng sang đường sẽ an toàn hơn.
Đối với trẻ dưới 7 tuổi, cha mẹ cần để ý đến trẻ, dặn trẻ không được tự ý băng qua đường một mình, nhất là những đoạn đường thường xuyên có xe cơ giới đi qua, mà nhất thiết phải có người lớn cầm tay dắt qua đường.
Khi đang đi ngang qua đường, thấy có xe lao thẳng về phía mình thì trẻ không được hốt hoảng bỏ chạy bừa mà phải ra tín hiệu hoặc kêu to để người điều khiển phương tiện giao thông chủ động xử lý tình huống.
4. Dạy trẻ khi đi bộ từ trong ngõ ra đường lớn
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ là nếu trẻ đang đi bộ trong ngõ thì trước khi đi ra đường lớn trẻ cần quan sát kỹ, không chạy ùa ra, đặc biệt phải chú ý đến hướng xe đang đi lại.
Nếu nhà bạn ở gần đường giao thông thì nên làm hàng rào, cổng chắn để trước khi trẻ muốn ra khỏi nhà sẽ phải mở cửa, nhìn trước, nhìn sau chứ không chạy thẳng một mạch ra đường lớn.
5. Những việc trẻ không nên làm khi đi qua đường
Không kêu gọi hoặc chạy theo người khác khi đang đi qua đường: Cha mẹ cần dặn trẻ nếu đang đi trên đường mà gặp bố mẹ hay người quen, ngay cả khi trẻ nhìn thấy họ đang ở rất gần mình cũng không nên gọi hay chạy theo vì như thế sẽ gây nguy hiểm cho cả hai.
Không đi giàn hàng ngang vừa đi vừa nói chuyện: Khi đi cùng nhóm bạn trẻ thường thích trò chuyện, nô nghịch ngay cả lúc sang đường chúng cũng không ý thức được sự nguy hiểm của vấn đề này. Vì vậy cha mẹ cần dặn kỹ trẻ khi đi sang đường không được dàn hàng ngang, không tranh cãi, nói chuyện hay đùa nghịch, không chạy đuổi, xô đẩy hay huých nhau khi đi bộ trên đường cũng như khi sang đường.
6. Phương pháp hướng dẫn trẻ
Trẻ nhỏ tiếp thu rất nhanh thông qua những đồ dùng trực quan, sinh động vì vậy cha mẹ có thể mua cho trẻ những lôtô tranh ảnh, hình vẽ, truyện, mô hình… có liên quan đến đường giao thông để hướng dẫn trẻ.
Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ thông qua những trò chơi đóng vai như đóng vai người tham gia giao thông, đóng vai cảnh sát giao thông để thông qua đó trẻ học được về an toàn giao thông dành cho người đi bộ.
Cho trẻ hát những bài hát về tham gia giao thông như bài hát “Đường chúng em đi” hoặc đọc những bài thơ, vẽ tranh về an toàn giao thông đường bộ.
Quan trọng nhất là việc hướng dẫn trẻ trong thực tế vì vậy mỗi lần cùng trẻ đi ngoài đường cha mẹ cần để ý để hướng dẫn trẻ chỉ cho trẻ biết cách trẻ phải đi như thế nào cho đúng. Đặc biệt cha mẹ phải là tấm gương về việc tuân thủ an toàn giao thông để trẻ học tập và làm theo.