Đã bao giờ mẹ ước có thể “giao tiếp không lời” với bé yêu của mình, để khám phá những bí mật ẩn trong giấc ngủ của bé? Các mẹ hãy cùng chúng tôi đi giải mã những bí mật giấc ngủ của bé yêu nhé!
Tại sao bé đã ngủ, nhưng vừa rời tay mẹ là giật mình thức giấc?
Mẹ biết không, trẻ em có hai giai đoạn ngủ: Ngủ năng động và Ngủ yên. Khác với trẻ lớn và người trưởng thành, trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có giấc ngủ năng động khá dài. Khi bé ngủ trên tay mẹ nhưng tay chân và mắt vẫn động đậy, nghĩa là bé đang trong giấc ngủ năng động, chỉ cần một chút kích thích nhỏ cũng dễ dàng tỉnh giấc.
Một ngày bé cần ngủ bao lâu?
Bé sơ sinh đến 2 tháng tuổi có thể ngủ đến 20 tiếng mỗi ngày, trẻ 6 tháng sẽ cần ngủ khoảng 14 tiếng, và giảm dần còn 12 tiếng mỗi ngày cho bé trên 3 tuổi.
Trong giấc ngủ của bé có gì diễn ra?
Mẹ thường nghe mọi người bảo: khi ngủ bé chúm miệng như đang nói, mũi khịt khịt như đang cười là “bà mụ” đang dạy bé học. Thật ra điều này cũng có phần chính xác, vì khi ngủ, đặc biệt là trong giấc ngủ năng động, bé sẽ liên tục cập nhật các hình ảnh và thông tin đã tiếp xúc trong ngày vào não bộ như đang chơi trò ghép hình. Chỉ có điều vẫn chưa ai khám phá ra có bà tiên nào xuất hiện trong giấc mơ của bé hay không mà thôi.
Làm thế nào để giúp bé ngủ ngon và phát triển trí tuệ tốt nhất?
- Cho bé ngủ trong phòng tối, nhiệt độ lý tưởng nhất là 20- 22 độ C
- Âm nhạc thiên nhiên dịu nhẹ, một chiếc nôi lắc lư, hoặc một chiếc ghế bập bênh để mẹ ngồi ru bé sẽ là những phương tiện “lôi kéo” cơn buồn ngủ nhanh nhất.
- Quấn nhẹ một lớp khăn để bé cảm thấy được che chở, lưu ý không quấn quá chặt để bé dễ trở mình.
- Nếu cho bé ngủ riêng, có thể đặt một chiếc áo có mùi quen thuộc của bố hoặc mẹ vào nôi để tạo cảm giác an toàn cho bé.
- Quần áo, chăn và vỏ gối của bé cần được giặt xả thật mềm mại và có hương thơm dịu dàng ru bé vào giấc ngủ ngon.