Nghe con kể chuyện về một bạn nam trong lớp nói lời yêu với mẹ, chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào, mẹ đã phản ứng rất kịch liệt làm cho con trẻ bị tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý.
Mẹ hỏi, con không trả lời
Đi học về, thấy mẹ đang nấu cơm, M – Học sinh lớp 6 tại Hà Nội – hí hửng kể với mẹ: “Mẹ ơi, bạn T viết thư cho con nói là yêu con mẹ ạ”.
Nghe con kể, chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào, chị H (mẹ bé M) lớn tiếng quát: “Nó là thằng nào, con nhà ai, bố mẹ nó làm nghề gì? Mới tý tuổi đã bày đặt yêu đương. Tốn tiền để cho chúng mày lo mà ăn học chứ không phải yêu đương nhăng nhít thế này. Bây giờ đã thư với từ thế này thì học làm sao được hả con. Từ nay mẹ cấm con giao lưu với thằng đó!”.
Cùng với lời mắng mỏ và đe dọa, chị H bắt con đưa lá thư cho chị. Cô bé cúi gằm mặt. Nghe mẹ mắng chưa hết câu, cô bé chạy vào phòng, đóng sập cửa lại, khóc nức nở. Một cảm giác hẫng hụt, tổn thương trào dâng trong lòng cô bé. Cô không ngờ bị mẹ phản ứng dữ dội như vậy.
Kể từ hôm đó, cô bé không trò chuyện với mẹ nữa. Có những lúc chị H hỏi, cô bé vẫn cứ im re như không nghe thấy gì. Chỉ đến lúc chị H không kiềm chế được quát um lên thì cô mới miễn cưỡng trả lời “có ạ” hoặc “không ạ”… mà thôi.
Nguy hại khi bố mẹ không là “bạn” của con
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Lâm Thúy (Văn phòng tham vấn Gia đình & Trẻ em VALA), trường hợp con gái của chị H là điển hình của việc bố mẹ không biết giao tiếp và làm bạn của con. Cách phản đối thiếu khôn ngoan của chị H đã khiến cho con chị “khép cửa tâm hồn”, không chia sẻ với chị nữa.
Không chỉ có con chị H mà trên thực tế có những đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, do “vụng” ứng xử nên bố mẹ đã khiến cho trẻ đóng cửa tâm hồn mãi mãi. Từ đó trẻ sẽ tạo một khoảng cách đối với bố mẹ.
Khi kể với mẹ câu chuyện bạn trai viết thư tỏ tình, cô bé hy vọng mẹ sẽ sung sướng ngạc nhiên về điều đó. Nhưng cách phản ứng của chị H như dội một gáo nước lạnh vào đầu trẻ, khiến cho đứa trẻ bị hẫng hụt. Cô bé nghĩ bố mẹ chẳng hiểu gì mình. Bé giữ khoảng cách và khoảng cách đó càng ngày càng xa nếu người mẹ không biết cách để cứu vãn kịp thời.
Trong những trường hợp tương tự, cảm xúc càng mạnh thì ấn tượng càng sâu và thành kiến càng nặng. Lứa tuổi dậy thì lại rất nhạy cảm. Khi bố mẹ không thể “làm bạn” được với trẻ, trẻ dễ rơi vào tâm trạng buồn bã, chán nản và rất…cô đơn. Tình trạng trẻ dậy thì yêu sớm, trầm cảm, chán sống, tự tử…có thể bắt nguồn từ những thiếu sót này của bố mẹ.
Cảm xúc bình thường ở trẻ dậy thì
Cũng theo chuyên gia Lâm Thúy, khi đối mặt với những biểu hiện yêu đương của trẻ dậy thì, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là không đồng ý và có ứng xử phản tác dụng. Nguyên nhân là do nhận thức của các bậc bố mẹ thường rất sai lầm khi cho rằng yêu là xấu. Họ không nhìn thấy mặt tích cực của cảm xúc “yêu” ở trẻ mà chỉ nhìn ở góc độ tiêu cực.
Các chuyên gia tâm sinh lý đều đã khẳng định, cảm xúc yêu đương là nhu cầu tất yếu khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là hướng dẫn để làm sao trẻ không yêu lệch lạc, không yêu đương nhục dục thể xác chứ không phải là nghiêm cấm và ngăn cản.
Cái gì cũng có hai mặt. Bên cạnh cái tích cực thì bao giờ cũng tồn tại tiêu cực. Trong yêu đương cũng vậy. Bởi vậy hãy hướng con phát huy cái mặt tích cực và cung cấp những thông tin để con có kiến thức đề phòng mặt tiêu cực.
Bố mẹ nên dành 70% thời gian nói về mặt tích cực để giúp con tiếp thu những năng lực tích cực trong học tập rèn luyện. 30% còn lại dành để nói về mặt tiêu cực, nói để con tránh đến những chỗ có thể vượt qua ranh giới, cung cấp những thông tin để con biết mà tránh.
Không thể nói ranh giới một cách chung chung mà nên nói với con ranh giới đó là: con có thể gặp nhau, có thể chuyện trò với nhau nhưng không bao giờ được đi chơi hai đứa với nhau, không bao giờ được đi vào chỗ vắng, chỗ tối… Hoặc khi nhắn tin điện thoại thì nhắn thế nào là phù hợp.
Điều mà bố mẹ cần làm khi một ngày bỗng nhiên nghe con kể chuyện “yêu” ai, hoặc được ai đó “yêu”, đầu tiên phải ủng hộ cảm xúc đó của trẻ. Sau đó phải định hướng, phải làm “người thầy” hướng dẫn con đi đúng đường.
Tuổi dậy thì là tuổi muốn khám phá. Trước đây trẻ lắng nghe và quan sát. Giờ trẻ muốn thực hành. Vậy nhưng đa số bố mẹ lại không hiểu hoặc không muốn hiểu điều đó. Việc bố mẹ ngăn cấm hoặc nói “không” với con cái là tước đi cơ hội để trẻ “trải nghiệm” và “kiểm chứng”.
Điều này tương tự như khi đứa trẻ đang tuổi bế bồng thường có sở thích lấy các đồ vật và ném rồi xem phản ứng của bố mẹ. Làm việc đó vì bé có nhu cầu khám phá các đồ vật, để biết được cái gì thì được ném xuống đất, cái gì thì ném trên giường. Đó là một sự học tập, một sự thử nghiệm. Nếu người lớn cấm thì trẻ sẽ không ném nhưng cuộc sống của trẻ sẽ ra sao khi không nhận thức đúng mọi sự vật, hiện tượng xung quanh mình.
Đối với những cảm xúc “yêu” của trẻ cũng vậy, bố mẹ không nên khuyến khích nhưng nên ủng hộ cảm xúc của bé sau đó “lợi dụng” những mặt tích cực của cảm xúc này để “lái” con vào những việc làm thực sự ích lợi cho chính trẻ.