Cứ nghe ai mách thuốc gì tăng chiều cao, cân nặng, trí thông minh, hết biếng ăn…cho trẻ là mẹ mua ngay, rồi đè Bi ra bắt uống. Lợi đâu chẳng thấy, nhưng hại thì đã ngay trước mắt. Bi thấy mẹ bê ly thuốc ra là bụm miệng bỏ chạy, hai mẹ con đánh vật, hò hét mệt lử, uống được một muỗng thuốc thì bỏ dở một bữa ăn.
1. Không được cho con uống thuốc bổ vô tội vạ
Cứ nghe ai mách thuốc gì tăng chiều cao, cân nặng, trí thông minh, hết biếng ăn…cho trẻ là mẹ mua ngay, rồi đè Bi ra bắt uống. Lợi đâu chẳng thấy, nhưng hại thì đã ngay trước mắt. Bi thấy mẹ bê ly thuốc ra là bụm miệng bỏ chạy, hai mẹ con đánh vật, hò hét mệt lử, uống được một muỗng thuốc thì bỏ dở một bữa ăn.
Các mẹ thường có chung suy nghĩ: Thuốc bào chế cho em bé được làm từ các thành phần thảo dược, lại được bổ sung rất nhiều khoáng chất, không bổ ngang cũng bổ dọc. Thế nhưng thực tế là sau khi uống hết cả chục chai “Giúp bé hết biếng ăn” thì tình trạng biếng ăn của bé vẫn chẳng cải thiện chút nào.
Đến khi được bác sĩ tư vấn mới vỡ lẽ: Không có thuốc nào giúp bé ăn ngon miệng cả. Phải hiểu cặn kẽ rằng, loại trừ do tâm lý, còn thì nguyên nhân là do thiếu chất này chất kia nên bé mới lười ăn, vì vậy nếu “hên” uống trúng thuốc bổ sung chất bé đang thiếu thì tình trạng được cải thiện, bằng không chỉ như nước đổ lá khoai, tốn tiền vô ích.
2. Nên bổ sung lợi khuẩn Probiotic
Những vi khuẩn này được bổ sung nhằm giúp cân bằng hệ tiêu hóa. Chúng xuất hiện trong các thực phẩm như sữa chua , sữa đậu nành… Tuy nhiên, chỉ để “ăn chơi” thì cho bé yêu ăn mỗi ngày một hũ sữa chua là đủ, còn để chữa bệnh rối loạn tiêu hóa thì cần tham vấn bác sĩ để được tư vấn các chế phẩm có lượng probiotic cao.
Nguyên nhân là trước khi đến được ruột, các chiến binh này cần phải vượt qua dạ dày với môi trường axit, một lượng lớn chiến binh sẽ bỏ xác ở đây trước khi đến được ruột để thực hiện chức năng “lợi khuẩn”.
Vì thế cần phải bổ sung probiotic khi bé đã ăn no và số lượng probiotic trong chế phẩm cũng phải đủ nhiều để đạt kết quả tốt.
3. Tránh lạm dụng thuốc hạ sốt cho con
Hầu hết các mẹ khi thấy bé có biểu hiện nóng sốt liền lập tức cho con uống thuốc. Tuy vậy, theo các bác sĩ, chỉ khi thân nhiệt bé trên 38.5 độ C mới cần uống thuốc để ngăn ngừa tình trạng bé sốt cao sẽ dễ dẫn đến co giật, chứ không phải nhằm mục đích hết sốt.
Khi bị virus xâm nhập, cơ thể sẽ tiết ra kháng thể để tiêu diệt, đồng thời tự tăng thân nhiệt để tạo môi trường bất lợi cho sự sinh sản và phát triển của virus, vì thế nếu bé mới chỉ hơi nóng mà cho uống thuốc hạ sốt liền, chẳng khác nào tiếp tay cho kẻ thù công kích nhà mình.
4. Tuyệt đối không “nhồi” con ăn khi đang ốm
9/10 các bà mẹ được hỏi đều trả lời cần phải cho trẻ ăn ngon và giàu dinh dưỡng hơn trong thời gian bé bệnh. Điều này hoàn toàn đi trái khoa học, vì rằng khi cơ thể không khỏe, hệ tiêu hóa của con cũng theo đó mà kém hấp thu. Lúc này các mẹ lại tống vào thịt bò, bào ngư… khác nào xây nhà trên vũng sình??? Hãy cho bé ăn thức ăn dễ tiêu, nếu con chỉ đòi ăn cơm trắng, mẹ cũng đừng vì thế mà lo lắng. Khi con hết bệnh, đó mới là lúc cần mẹ bồi bổ để hồi phục và phát triển.
5. Cần phải hiểu thế nào là táo bón
3-4 ngày không thấy con đi tiêu, mẹ sốt sắng mua thụt đít về “hỗ trợ” cho con, mặc dù phân của con vẫn rất mềm và “đẹp”. Mang tâm sự ấy đến gặp bác sĩ, mẹ nhận được lời khuyên là hãy nhìn chất lượng phân hơn là số lần bé đi tiêu. Nghĩa là nếu phân vẫn bình thường, nhất là khi bé bú mẹ hoàn toàn, thì một tuần bé đi một lần vẫn rất bình thường. Điều này chỉ nói lên một điều: Sữa mẹ quá tốt, con hấp thu hết nên chẳng còn gì để thải ra ngoài cả, vì thế con cần đợi đến khi “đủ số lượng” thì mới giải phóng ra ngoài được.
6. Phân biệt ói và trớ
Ói là hiện tượng bệnh lý của nhiều bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, điển hình nhất là do kém hấp thu. Khi ói cơ bụng bé co thắt, ói xong mặt bé hơi tái, mệt mỏi, một lúc sau mới trở lại hồng hào.
Ngược lại, trớ là hiện tượng sinh lý, thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. Khi ăn quá no hoặc quá nhanh, bé sẽ bị trớ. Khi trớ đồ ăn sẽ phun ra thành vòi, cảm giác rất dễ dàng chứ không cần phải gắng sức. Tuy nhiên, khi trớ xong trẻ rất bình thường, không hề có dấu hiệu mệt mỏi, thậm chí lại có thể “chiến đấu” tiếp đồ ăn còn dang dở.
Mẹ cần phân biệt thật kỹ để biết con mình đang bình thường hay bất thường.